Bảo tồn và phát huy giá trị tốt đẹp - tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương
“Con người có tổ, có tông, như cây có cội, như sông có nguồn”, thờ cúng tổ tiên là nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam, từ việc thờ cúng tổ tiên trong gia đình, dòng họ đến thờ cúng ông tổ của một làng, một xã. Cao hơn cả, người Việt thờ cúng tổ tiên của cả dân tộc, đó là các Vua Hùng, những người đã có công khai sơn phá thạch, gây dựng nên bờ cõi, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc sau này.
|
Lễ rước kiệu về Đền Hùng. (Ảnh: Ái Vân)
|
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, ngày 19/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn Quân Tiên Phong trước khi về tiếp quản Thủ đô: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn của Bác đã được hiện thực hóa vào mùa Xuân năm 1975, khi Chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, lịch sử của dân tộc đã bước sang một trang mới.
Đến nay, Đền Hùng vẫn luôn là biểu tượng tâm linh mà mọi người dân hướng về để củng cố sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược. Trong sâu thẳm tâm thức của mỗi người con đất Việt vẫn luôn tâm niệm câu ca: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3/ Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.
Giỗ Tổ Hùng Vương, Lễ hội Đền Hùng mùng 10 tháng 3 (âm lịch) hằng năm đã trở thành ngày lễ lớn của dân tộc, nơi hội tụ của con Lạc, cháu Hồng trên khắp mọi miền đất nước và những người Việt đang sinh sống khắp năm châu. Với những giá trị độc đáo, riêng biệt, ngày 16/12/2012, tại Paris, Pháp, Tổ chức Giáo dục khoa học và văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là di sản đầu tiên của Việt Nam được vinh danh ở loại hình tín ngưỡng.
Trở về nơi cội nguồn linh thiêng, lắng nghe những trầm tích lịch sử, huyền thoại từ thuở dựng nước của ông cha, theo truyền thuyết, khi kết duyên cùng Lạc Long Quân, mẹ Âu Cơ đã hạ sinh một bọc trăm trứng, nở thành trăm người con, đó là nguồn gốc của giống nòi nước Việt. 50 người con theo mẹ lên non, 50 người con theo cha xuống biển. Người con cả ở lại Phong Châu lập ra nước Văn Lang được cai trị bởi 18 đời Vua Hùng; các Vua Hùng đã dạy dân trồng lúa nước, săn bắt, trị thủy, đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ yên giang sơn bờ cõi. Mẹ Âu Cơ sinh trăm con ở cùng một bọc, đó chính là khởi nguồn của 2 tiếng đồng bào, là niềm tin của tất cả con dân đất Việt đều mang trong mình dòng máu tiên rồng, đều có chung một cội nguồn, gốc rễ.
Không chỉ bắt nguồn từ truyền thuyết, thời đại Hùng Vương còn được minh chứng trong dòng chảy lịch sử của dân tộc qua hơn 4.000 năm văn hiến, với những phát hiện về văn hóa Đông Sơn. Các nhà khoa học có thể dựng nên bức tranh tổng thể về thời đại Hùng Vương dựa vào chứng cứ vật chất khai quật được trong lòng đất khi mà niên đại của nó cũng khá trùng hợp với sổ sách ghi chép lại. Những thành tựu nghiên cứu về thời đại Hùng Vương đã góp phần chứng minh một sự thật lịch sử rằng: Mọi người dân sinh sống trên mảnh đất hình chữ S đều có chung một nguồn cội, mỗi người Việt Nam đều là dòng giống con Lạc, cháu Hồng.
Dựa trên những dữ liệu mà chúng ta khai thác được từ những duy trì khảo cổ, trong đó, từ thời kỳ xa hơn là thời kỳ Sa Vi nối đến thời kỳ Phùng Nguyên, tiếp đến thời kỳ Gò Mun, chúng ta khai quật được rất nhiều công cụ lao động dưới thời Hùng Vương, đó là vũ khí, trang sức, đồ dùng sinh hoạt của người Việt thời đó.
Theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan, từ năm 1968 đến năm 1971, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, các nhà khoa học ở tầm quốc gia đã tụ hội lại và đã xây dựng được một hệ công trình nghiên cứu khoa học, chứng minh một điều hết sức rõ ràng, cụ thể và rành mạch, đó là thời đại Hùng Vương là có thật. Hiện nay, chúng ta còn có một văn bản rất quý, rất có giá trị của Quang Trung-Nguyễn Huệ được viết sau khi đuổi hết giặc Thanh ra khỏi đất nước. Chính Quang Trung-Nguyễn Huệ đã ban một tờ chiếu, một bản sắc văn hóa làng Hy Cương ở dưới chân Đền Hùng, gốc là dân làng Cả, dặn dò phải cẩn thận việc thờ cúng Hùng Vương. Ông còn đánh giá, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Đền Hùng là làm cho mạch nước được bền vững.
Trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là sợi dây gắn kết cộng đồng dân tộc, là điểm tựa tinh thần để nhân dân ta chiến thắng giặc ngoại xâm, bảo vệ giang sơn bờ cõi. Truyền thuyết tại Đền Hùng ghi lại, sau khi Vua Hùng thứ 18 nhường ngôi, Thục Phán đã dựng cột đá thề trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh nguyện trọn đời bảo vệ giang sơn gấm vóc mà Vua Hùng trao, đời đời phụng thờ hương khói, trông nom lăng miếu, tổ tiên.
Sang những năm đầu Công nguyên, Hai Bà Trưng phát động cuộc khởi nghĩa chống quân Hán đã đọc lời thề trên cửa sông Hát: “Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng”. Triều đại phong kiến xưa rất chú trọng và khuyến khích người dân duy trì tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Nhà Hậu Lê, Tây Sơn và nhà Nguyễn liên tục sắc phong cho các nhà thờ Vua Hùng tại Phú Thọ. Các tài liệu sử sách ghi chép về thời đại Hùng Vương là Đại Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư đã khẳng định, lý giải về nguồn gốc, nguồn cội chung của dân tộc Việt Nam. Trong dòng chảy sáng tạo ấy, từ huyền thoại đến lịch sử, đã được lịch sử hóa, huyền thoại hóa để trở thành một hiện tượng văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc.
Nguồn: bienphong.com.vn