Bẻ mũi tên thù hận
Những người làm được sự nghiệp lẫy lừng xưa nay đều dung được điều người ta không thể dung, nhịn được điều người ta không thể nhịn. Không phải là người độ lượng hơn người, kiến thức hơn người, điềm tĩnh hơn người, thì không thể làm nổi.
Philippe, vua nước Macedoine, đem quân vây thành Methone. Có một tên cung thủ đại tài tên là Aster đến yết kiến, xin vào đội tinh binh của nhà vua. Người ấy khoe rằng tài nghệ cung tiễn hay lắm, chim bay dù nhanh đến mức nào cũng bắn trúng. Vua vốn ghét những đứa khoe khoang nên phán rằng: được, để bao giờ ta đánh trận với chim sẻ, ta sẽ dùng đến tài của ngươi. Aster nghe câu nói mỉa mai ấy, lấy làm căm tức vô cùng, liền chạy thẳng vào thành Methone, muốn giúp tướng sĩ đang bị vây trong thành chống lại nhà vua.
Một hôm, Aster đứng trên thành, trông thấy Vua Philippe đang đi kinh lý các trại quân đóng ngoài thành. Aster liền viết mấy chữ vào một mũi tên: gửi cho con mắt bên phải của Vua Philippe, rồi bắn xuống. Tên trúng giữa mắt phải của Vua Philippe. Vua nén đau, rút mũi tên ra, sai sứ cầm mũi tên đó vào trong thành, trả lại Aster, trên mũi tên ghi rằng: ta lấy được thành này, Aster sẽ bị xử giảo. Sau quả y lời, vua chiếm thành, Aster bị xử thắt cổ. Tiếc thay cho tài năng của Aster không gặp bề trên biết bao dung. Tiếc cho Vua Philippe chỉ vì bụng dạ hẹp hòi mà bị bắn mù một mắt. Câu chuyện này được ghi lại trong cuốn “Thuật xử thế của người xưa” (Nhà xuất bản Trẻ, năm 2021).
Thời Xuân Thu Chiến Quốc có Quản Trọng mưu lược hơn người. Ông phò trợ công tử Củ tranh ngôi báu với công tử Tiểu Bạch. Thấy Tiểu Bạch chạy xe về nước tranh làm vua mới, Quản Trọng bắn một mũi tên ngăn lại. Nhờ trời cứu nên mũi tên trúng ngay cái vòng đai trên bụng công tử Tiểu Bạch. Tiểu Bạch sợ Quản Trọng là người bắn giỏi, nếu biết mình chưa chết, hắn sẽ bắn tiếp, bèn cắn đầu lưỡi cho chảy máu, rồi giả vờ kêu to một tiếng, hộc máu ra miệng, ngã lăn trong xe. Quản Trọng đinh ninh Tiểu Bạch đã chết, bèn bỏ đi. Tùy tùng bí mật thay áo, đổi xe chở Tiểu Bạch về nước Tề, đưa ông lên ngôi vua, chính là Tề Hoàn Công.
Khi Tề Hoàn Công bắt được Quản Trọng, toan giết để trả thù bị bắn tên. Rồi lại nghĩ rằng con người nghĩa hiệp xưa nay, ai vì chủ ấy. Quản Trọng bắn mình cũng vì trung với công tử Củ. Nay ngôi báu mình đã ngồi, công tử Củ đã chết, là lúc cần trọng dụng người tài. Nghĩ vậy, Tề Hoàn Công bỏ mối thù bị bắn tên, tha cho Quản Trọng. Tấm lòng bao dung của Tề Hoàn Công khiến Quản Trọng quy phục. Sau này Quản Trọng làm tể tướng, giúp Tề Hoàn Công làm bá chủ lẫy lừng trong lịch sử Trung Hoa.
Những người làm được sự nghiệp lẫy lừng xưa nay đều dung được điều người ta không thể dung, nhịn được điều người ta không thể nhịn. Không phải là người độ lượng hơn người, kiến thức hơn người, điềm tĩnh hơn người, thì không thể làm nổi.
Theo ghi chép trong “Mông Cổ bí sử” (Nhà xuất bản Văn học, năm 2021), khi bắt được tù binh, Thành Cát Tư Hãn hỏi lúc giao tranh ở Khoát Diệc Điền, kẻ nào đã bắn chết con chiến mã lông vàng mõm trắng và làm ông bị thương suýt mất mạng. Một người tiến ra nói: đó chính là thần, nay đại hãn giết thần, chẳng qua chỉ vấy bẩn mặt đất. Nhưng nếu đại hãn ân xá, thần xin đi trước ba quân, chặn ngang nước thẳm, phá tung đá dày.
Thành Cát Tư Hãn nói: chẳng ai muốn thú nhận mình đã giết người phe địch, nhưng kẻ này không che giấu mà nói hết với ta, đủ thấy hắn trung thực, đáng kết giao. Hắn từng bắn gẫy cổ con chiến mã lông vàng mõm trắng của ta bằng một mũi tên. Để kỷ niệm chiến tích ấy, ta ban cho hắn tên mới là Triết Biệt (Djebe nghĩa là mũi tên). Từ giờ Triết Biệt là dũng sĩ của ta, nay ban chỉ để Triết Biệt theo ta chiến đấu.
Câu chuyện trên cho thấy một nét đặc biệt trong cá tính của Thành Cát Tư Hãn: ông rất chuộng tính ngay thật, can đảm và trung tín, cho dẫu người đó là kẻ thù. Triết Biệt trước là kẻ thù, sau lập công lớn, trở thành Thân Vương Triết Biệt, là viên thượng tướng đã xua quân đoàn tiên phong vào đất Trung Quốc, chinh phục Tây Liêu, vượt núi Pamir đánh chiếm Ba Tư, rồi vượt núi Caucase đánh tan rã quân Nga.
Để xóa bỏ thù địch giữa các bộ tộc, sau khi chinh phục người Tatar năm 1203, Thành Cát Tư Hãn tổ chức quân lính thành các đội 10 người. Dù nguồn gốc bộ lạc hay huyết thống là gì, dù hôm qua là kẻ thù của nhau, hôm nay 10 người phải sống và chiến đấu với lòng trung thành của anh em ruột thịt trong một gia đình, không ai được phép bỏ rơi người khác trong chiến đấu. Các bộ tộc trên thảo nguyên trước đó khó thống nhất, luôn sẵn sàng tách ra theo tập tính du mục, nhưng từ khi dưới sự lãnh đạo của Thành Cát Tư Hãn đã thống nhất lại thành đế quốc Mông Cổ hùng mạnh nhất thế giới. Bẻ mũi tên thù hận, khiến cựu thù trở thành bè bạn, đó là bài học của Thành Cát Tư Hãn truyền cho hậu thế./.
Dư Hồng Quảng