CHIỀU TỀ THÌ SỞ GIẬN
Quân cận vệ Thụy Sĩ ở Tòa thánh Vatican.
Văn Công nước Đằng hỏi thầy Mạnh Tử: “Nước Đằng ta là một nước nhỏ ở vào khoảng giữa nước Tề và nước Sở là hai nước lớn. Kể phận thì phải chiều cả hai nước, nhưng kể sức thì không thể chiều được cả. Chiều nước Tề chăng? Chiều nước Sở chăng? Ta thực không biết nên tựa vào nước nào để cho nước ta được yên, nhờ thầy mưu tính hộ cho ta”.
Câu hỏi trên được chép trong cuốn Cổ học tinh hoa (Nhà xuất bản Văn học, 2018). Đó không chỉ là mối lo của nước Đằng thời Xuân Thu Chiến Quốc (770-221 Trước công nguyên) mà là của chung các nước nhỏ trong suốt chiều dài lịch sử.
Thế kỷ XIX, trong khi các quốc gia châu Á lần lượt trở thành thuộc địa của phương Tây thì có một nước nhỏ không bị xâm lược mặc dù nằm kẹt giữa hai thế lực thực dân Anh- Pháp. Câu chuyện giữ độc lập của Thái Lan được kể trên trang The Culture Trip với ghi nhận về chính sách ngoại giao khôn khéo của các vua Siam (Xiêm).
Trong khi Thái Lan ký kết thương mại Anh-Xiêm, thì Pháp vẫn đang tìm cách mở rộng lãnh thổ thuộc địa của mình. Không bằng lòng với việc giành được đất đai sau Chiến tranh Pháp-Xiêm năm 1893, Pháp tiếp tục lấn tới từ phía Đông. Anh cũng lăm le tiến đến từ phía Tây. Nhưng thông qua ngoại giao, một hiệp ước đã được ký kết vào năm 1896, trong đó đồng ý giữ cho Thái Lan tồn tại như một vùng đệm (buffer zone) giữa hai kỳ phùng địch thủ Anh-Pháp. Vua Xiêm Chulalongkorn đã giữ được độc lập, điều mà nhiều người nghĩ là không thể. Và do đó, ngài được nhớ đến ở Thái Lan với tư cách là “Vị vua yêu dấu vĩ đại”.
Nếu Thái Lan nằm giữa vùng thuộc địa của 2 siêu cường Anh- Pháp thì Thụy Sĩ cũng từng bị đặt trong tình huống phải “chọn phe”. Đất nước Thụy Sĩ nhỏ bé nằm giữa các cường quốc châu Âu. Đất cằn, núi đá, chiến tranh đã tôi rèn người Thụy sĩ thành những chiến binh can trường, kỷ luật và thiện chiến. Đó là lý do họ được tuyển chọn làm quân cận vệ của Tòa thánh Vatican, bảo vệ Đức Giáo Hoàng hơn 500 năm nay, không có dân tộc nào thay thế được. Cực kỳ thiện chiến là thế, nhưng người Thụy Sĩ đã tự mình từ bỏ tham chiến từ rất lâu.
Theo chuyên trang lịch sử History. com thì những động thái sớm nhất hướng tới sự trung lập của Thụy Sĩ bắt đầu từ năm 1515. Rút ra bài học sau các cuộc chiến tàn khốc, Thụy Sĩ tìm cách tự bảo vệ, tránh xung đột với các nước. Trong cuộc chiến tranh của Napoleon, Thụy Sĩ nằm giữa Pháp và các cường địch châu Âu. Bị Pháp chiếm, nhưng Thụy Sĩ vẫn cố gắng thực hiện chính sách trung lập của mình. Kể cả sau khi Napoleon thua trận, các cường quốc châu Âu vẫn cho rằng một nước Thụy Sĩ trung lập sẽ đóng vai trò như một vùng đệm có giá trị giữa Pháp và Áo, điều đó góp phần vào sự ổn định trong khu vực. Tại Quốc hội Vienna năm 1815, họ đã ký một tuyên bố khẳng định "sự trung lập vĩnh viễn" của Thụy Sĩ trong cộng đồng quốc tế.
Tiếp đó, trong suốt Thế chiến thứ nhất, Thụy Sĩ đã duy trì lập trường cân bằng của mình, chấp nhận người tị nạn nhưng cũng từ chối chọn đứng về phía nào. Một thách thức lớn đối với sự trung lập của Thụy Sĩ đến trong Thế chiến thứ hai, khi quốc gia này đứng giữa phe Trục Phát xít và phe Đồng Minh. Trong bối cảnh đó, Thụy Sĩ duy trì nền độc lập của mình bằng cách tuyên bố sẵn sàng trả đũa trong trường hợp bị xâm lược, nhưng vẫn khôn khéo giao dịch với các bên, tiếp tục buôn bán với nước Đức Quốc xã.
Kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Thụy Sĩ đã đóng một vai trò tích cực trong các vấn đề quốc tế bằng cách hỗ trợ nhân đạo, nhưng vẫn kiên quyết trung lập về quân sự. Nước này chưa bao giờ gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoặc Liên minh châu Âu (EU).
Mặc dù giữ thái độ trung lập lâu đời, được các nước công nhận nhưng người Thụy Sĩ vẫn luôn dựa vào chính mình. Mấy trăm năm không tham gia chiến tranh nhưng nước này vẫn duy trì quân đội và yêu cầu tất cả nam giới trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, sẵn sàng bảo vệ độc lập dân tộc.
Trở lại câu hỏi từ thời Xuân Thu Chiến Quốc của Văn Công nước Đằng “nên tựa vào nước nào để cho nước ta được yên”, thầy Mạnh Tử thưa rằng: “Phàm việc mà cứ trông cậy vào người khác thì không thể chắc được. Chiều Tề thì Sở giận, chiều Sở thì Tề giận, mưu ấy chúng tôi không thể nghĩ kịp. Xin nói chỉ có một cách tự giữ lấy nước, đó là đào hào cho sâu, đắp thành cho cao, cai trị một cách cố kết lòng dân, cùng toàn dân giữ nước. Khi có biến cố gì xảy ra, vua đã liều chết để giữ nước, thì chắc dân cũng liều chết để giữ nước, không nỡ bỏ vua. Thế là ta dùng cái lòng dân để giữ lấy đất nước, tự cường mà lo toan lấy việc nước. Còn chiều Tề hay chiều Sở thì tôi không thể quyết được”.
dhq