Chiêu tuyết cho bọ hung
Dư Hồng Quảng
Chim lợn là thiên địch của chuột hại. Kền kền là chuyên gia dọn dẹp xác thối. Cũng như bọ hung, chúng đều làm việc tốt mà nghìn năm nay chịu mang tiếng xấu. Chiêu tuyết, minh oan cho bọ hung, chim lợn, kền kền, vì vậy, cũng là tìm lại lẽ công bằng vốn có của tự nhiên.
Bọ hung là loài vật thối tha, là hóa kiếp của tên Lý Thông tráo trở bị trừng phạt. Đó là nhân vật phản diện trong truyện cổ tích Việt Nam. Còn trong văn hóa Ai Cập, bọ hung lại là một biểu tượng tôn quý. Nếu kim tự tháp là biểu tượng của đất nước trường tồn thì bọ hung là biểu tượng của sự hồi sinh vĩnh cửu.
Theo ghi chép trong cuốn “Bách khoa thư lịch sử” (Nhà xuất bản Từ điển bách khoa, năm 2014), người Ai Cập thích đeo bùa cầu may. Loại bùa ưa chuộng nhất của họ là những con bọ hung tạc bằng đá. Bọ hung được xem là linh thiêng gắn với Thần Mặt trời.
Người Ai Cập cổ đại quan sát thấy bọ hung thường rúc vào các bãi phân của các loài vật khác để đẻ trứng. Chúng cần mẫn nhào nặn, cuộn tròn phân thành viên bi rồi lăn các viên bi có trứng bọ hung vào trong hang hốc, nơi các chú bọ hung con được sinh ra và nuôi dưỡng. Vòng lăn của viên bi là khởi động cho vòng đời của một con bọ hung. Người Ai Cập cổ đại nhìn hoạt động này giống như chuyển động của “viên bi khổng lồ” Mặt trời lăn trên bầu trời, hôm sau lặp lại hôm trước, đó là sự tái sinh. Họ tin rằng, bọ hung bay lên mỗi buổi sáng sẽ gọi Mặt trời lên.
Người Ai Cập cho rằng, bọ hung là loài côn trùng đem lại may mắn nên chúng được đặt trên các xác ướp để chống lại ma quỷ. Khi Pharaon băng hà, hàng trăm kỷ vật có hình bọ hung đã được làm để ghi dấu những sự kiện trong cuộc đời của vị hoàng đế vĩ đại này. Với người Ai Cập, đeo bùa tạc hình bọ hung chính là mang theo Mặt trời trong mình, để bảo vệ con người khỏi quỷ dữ. Nó còn là biểu tượng của sự sáng tạo, biến đổi, tái sinh, đem lại sức mạnh cho người đeo bùa.
Vẫn là con bọ hung mà sự yêu ghét hoàn toàn khác nhau giữa người Việt Nam và người Ai Cập. Phương Tây có câu “thức ăn đối với người này là thuốc độc đối với người khác”. Vì vậy, không nên lấy bản thân mình làm thước đo của thiên hạ. Với mọi chuyện không nên nhìn nhận chủ quan, phiến diện, một chiều.
Người ta nói sông chảy xuôi chiều, tôi cũng luôn tin như vậy. Khi học tập tại Canada, tôi nhiều lần đứng trên cầu sông Saint John, ngắm dòng nước chảy ngược từ vịnh Fundy vào sâu trong đất liền. Thành phố Saint John là nơi thủy triều cao nhất thế giới. Mỗi lần thủy triều lên, nước biển bị đẩy qua một hẻm núi hẹp và buộc sông Saint John phải đảo ngược dòng chảy trong vài giờ. Nơi tôi đứng ngắm dòng nước ngược đó gọi là Cầu Thác ngược (Reversing Falls Bridge).
Trước khi đến Saint John, trong đầu tôi vốn chỉ có một ý niệm: không bao giờ có dòng sông chảy ngược. Đó là một thứ định kiến. Bản chất của định kiến là đóng khung nhận thức, là trói buộc tư tưởng. Trong thực tế, không có người tốt hoàn toàn và người xấu cũng vậy. Nhà văn Oscar Wilde nói “thánh nhân nào cũng có quá khứ, tội nhân nào cũng có tương lai” (every saint has a past, every sinner has a future). Trước khi trở thành thánh, các vị cũng có quá khứ của người phàm. Và tội nhân cũng vậy. Mỗi người đều có cơ hội để thay đổi, ăn năn để đi tiếp trên con đường lương thiện.
Trước khi được phong thánh, Phao-lô vốn là kẻ thù đối với các môn đồ của Chúa. Ông tìm mọi cách để săn đuổi các tín hữu Kitô giáo. Hễ gặp người nào theo đạo, bất kỳ đàn ông đàn bà, Phao-lô đều bắt trói giải về thành Jerusalem và bức hại cho đến chết. Nhưng sau này, qua trải nghiệm lạ lùng, Phao-lô đến với đức tin Kitô giáo và trở thành người truyền bá đức tin một cách nhiệt thành, đóng góp to lớn vào sự phát triển Kitô giáo thời kỳ sơ khai.
Sa Tăng vốn là thủy quái ăn thịt người ở sông Lưu Sa. Đầu lâu người bị ăn thịt được xâu thành chuỗi vòng đeo trên cổ Sa Tăng. Sau khi được Phật giác ngộ, Sa Tăng tận tụy hết mình phò trợ sư phụ là Đường Tăng đi lấy kinh, tu thành chính quả. Câu chuyện này chứng tỏ rằng cửa bao dung không bao giờ khép với những người biết hối cải, ăn năn. Không bao giờ có chuyện người tốt không tì vết, người xấu thì không thể hoàn lương. Cần nhìn nhận sự việc đa chiều trong quá trình vận động, phát triển. Đó cũng chính là vì lẽ công bằng.
Nhiều người rất sợ khi nghe tiếng chim lợn, nỗi sợ về điềm gở, vận đen. Do bị xa lánh nên chim lợn không bị săn đuổi. Sự tồn tại, sinh sôi của chúng giúp hạn chế bớt nạn chuột hoành hành. Chim lợn là thiên địch của chuột hại. Kền kền là chuyên gia dọn dẹp xác thối. Cũng như bọ hung, chúng đều làm việc tốt mà nghìn năm nay chịu mang tiếng xấu. Chiêu tuyết, minh oan cho bọ hung, chim lợn, kền kền, vì vậy, cũng là tìm lại lẽ công bằng vốn có của tự nhiên./.