Chừa lại cho mình một đường lui
Trong Tam Quốc diễn nghĩa, Tào Tháo thua chạy khốn cùng sau trận thủy chiến Xích Bích. Gia Cát Lượng đặt phục binh chặn các đường lui, bố trí Vân Trường bắt Tào Tháo ở hẻm Hoa Dung. Nhưng Vân Trường thả cho Tào Tháo đi. Có câu “thả giặc một ngày ân hận ngàn thu”. Ngót hai thiên niên kỷ qua, người đời chưa dứt bàn tán về câu chuyện trên.
tác giả (bìa phải) dự Hội nghị đổi mới toàn cầu tại Chengdu, Thành Đô
Có ý kiến cho rằng lỗi ở Gia Cát Lượng. Tào Tháo có ơn nghĩa cũ với Vân Trường, sao mà không thả? Nếu để Trương Phi phục ở hẻm Hoa Dung thì Tháo đã bị một mâu đâm chết, nhà Hán đã có thể phục hưng. Lịch sử không có chữ “nếu”. Nhưng giả sử Tháo chết lúc đó thì sao? Phe Bắc Ngụy của Tào Tháo sẽ suy yếu. Phe Đông Ngô của Tôn Quyền với đô đốc Chu Du thao lược hơn người, sẽ tiêu diệt phe Lưu Bị trước, rồi diệt Bắc Ngụy sau. Dù có quân sư Gia Cát Lượng tài ba nhưng phe của Lưu Bị khi ấy còn quá non yếu, chắc chắn sẽ vong. Đó là điều Gia Cát Lượng lo sợ nhất. Ông để Vân Trường thả Tào Tháo là vì muốn giữ cục diện 3 phe, để Lưu Bị có thời gian phát triển lực lượng, sau này thành thế Tam Quốc ràng buộc, khắc chế lẫn nhau.
Thực tế đúng như tính toán của Gia Cát Lượng: Tào Tháo thoát chết, chạy về Bắc Ngụy, lo giữ đất đai, giữ ngôi vị, chưa dám nam tiến trả thù Tôn Quyền và Lưu Bị (vì sợ hai phe Tôn - Lưu liên thủ như trong trận Xích Bích vừa rồi). Tôn Quyền cũng chưa dám đánh Lưu Bị vì sợ Lưu Bị sẽ theo Tào Tháo. Lưu Bị tranh thủ thời gian hòa hoãn để mở mang thực lực, tạo thành một phe đủ mạnh trong cục diện Tam Quốc. Đó là mưu lược phi thường của quân sư Gia Cát Lượng: tha cho địch cũng chính là chừa đường lui cho mình.
Có câu “kẻ thù mang lại cho bạn nhiều món quà”. Gia Cát Lượng và Tư Mã Ý là kẻ thù, cũng là đối thủ xứng tầm của nhau. Trong một lần sắp bị tấn công, khi bên mình không có quân sĩ bảo vệ, Gia Cát Lượng bèn bày kế cho mở cổng thành, một mình ông thản nhiên ngồi trên thành gảy đàn (sử sách sau này gọi là “không thành kế”). Đây là cơ hội để giết đối thủ Gia Cát Lượng nhưng vì sao Tư Mã Ý lại lui binh?
Tư Mã Ý nhìn nhận sự việc, xét đoán tình thế tinh thông không kém gì Gia Cát Lượng. Thấy Lượng ngồi một mình trên thành, muốn biết có phục binh hay không, Ý chỉ cần cho một toán quân nhỏ xông vào. Nếu có phục binh thì Ý chỉ hi sinh một toán quân nhỏ. Nếu không có phục binh thì toán quân đó sẽ bắt sống Lượng. Nhưng Ý không làm vậy, chỉ giả vờ đứng nghe tiếng đàn của Lượng, rồi vờ sợ Lượng có mai phục, rồi lệnh toàn quân rút lui. Lượng may mắn thoát chết lần ấy, rồi chạy về nước Thục.
Vì sao nói Ý thả cho Lượng một đường lui cũng chính là mở đường để giữ mạng sống cho chính mình? Vì lúc ấy Ý đang bị con cháu Tào Tháo nghi ngờ. Có quá nhiều đối thủ muốn giết Ý. “Không thành kế” là kế của Gia Cát Lượng để tự cứu mình nhưng cũng giúp Tư Mã Ý có một lý do chính đáng để lui quân (vì sợ bị mai phục).
Sau lần ấy, quả nhiên con cháu Tào Tháo khinh bỉ, chê cười Tư Mã Ý là đồ nhát gan, từ đó chúng không lo sợ, đề phòng Ý như trước nữa. Mặt khác, Gia Cát Lượng, mối đe dọa lớn nhất của nước Ngụy vẫn còn, thì con cháu Tào Tháo vẫn còn cần dùng tài năng của Tư Mã Ý. Nếu Lượng chết, Ý sẽ bị giết. Có thể nói nhờ “không thành kế” của Gia Cát Lượng mà Tư Mã Ý đã tương kế tựu kế để tự cứu mình.
Trung Quốc trước thời Tam Quốc là thời Hán - Sở tranh hùng. Vua Hán là Lưu Bang luôn thua trước Sở vương Hạng Vũ (vốn là một chiến tướng vô địch thiên hạ). Cục diện đổi thay khi Lưu Bang được Hàn Tín giúp. Hàn Tín bày trận thập diện mai phục vây Hạng Vũ cùng đường ở Cai Hạ. Hạng Vũ vốn là chiến tướng không biết mùi thất bại. Vì quá kiêu ngạo, không mặt mũi nào nhuốt nổi nỗi nhục thất bại, nên dù còn cơ hội chạy thoát, Hạng Vũ cũng chẳng muốn vượt sông. Sau khi Hạng Vũ tự sát ở bến Ô Giang, Lưu Bang đã thống nhất thiên hạ.
Nếu Hạng Vũ không quá cứng nhắc, cố chấp mà chịu vượt sông, giữ đất Giang Đông thì Lưu Bang còn sợ. Chiến tranh còn thì Hàn Tín còn được Lưu Bang trọng dụng. Hạng Vũ chết rồi, tài năng của Hàn Tín dùng để làm gì, vô tình lại trở thành mối lo của Lưu Bang. Sau Lưu Bang làm ngơ để vợ mình là Lã Hậu giết chết Hàn Tín.
Có câu “chim hết rồi cung tên xếp xó, thỏ chết rồi chó bị phanh thây”. Nuôi chó săn là để đi săn cho chủ. Khi thú săn không còn, giá trị của chó săn cũng hết. Thế mới có chuyện những con chó tinh quái bảo nhau không nên săn bắt hết thỏ. Còn thỏ thì còn cần đến chó. Còn thỏ thì chó mới có giá trị. Đó chỉ là chuyện kể trong dân gian. Còn một học giả uyên thâm trong lịch sử là Mạnh Tử thì khẳng định: chừa cho người khác một đường lui cũng chính là tạo ra con đường cho chính mình./.
dhq
(Bài đăng Hồ sơ sự kiện, ngày 10/1/2024)