CÓ AI CHỐNG LẠI CHÚA TRỜI
Thế kỷ thứ 5 TCN, mỗi thành thị ở Hi Lạp là một thành bang dân chủ. Mỗi công dân nô nức dự bàn việc nước. Lợi thế là phát huy sức dân, song cũng có hại: sự quyết định của chính phủ thường chậm trễ, dân chúng quen thói bàn bạc, cãi cọ nhau, dễ chia rẽ vì những chuyện nhỏ nhặt.
Vạn lý trường thành, biểu tượng nhà nước thống nhất của Tần Thủy Hoàng
Vua Philip xứ Macedonia nghiên cứu các buổi nghị sự dân chủ tại Hi Lạp, thấy các cuộc tranh luận trong mỗi thành bang chẳng bao giờ kết thúc, các thành bang thì luôn đấu đá lẫn nhau. Ông nhìn ra nhược điểm lớn của hệ thống cai trị mà mỗi người đều có quan điểm riêng.
Ông tin rằng, một đất nước quân chủ như Macedonia được cai trị bởi một vị minh quân, có thể hành động quyết đoán hơn nhiều so với các thành bang dân chủ Hi Lạp. Năm 330 TCN, vua Philip xâm lược và thôn tính Hi Lạp, đặt nền móng cho con trai mình là hoàng tử Alexander xây dựng đế quốc hùng mạnh nhất thế giới thời cổ. Câu chuyện trên ghi trong cuốn “Alexander Đại đế huyền thoại xứ Macedonia” (Nhà xuất bản Dân trí, năm 2023).
Từ hàng trăm nước nhỏ, năm 221 TCN, Trung Quốc thống nhất thành một quốc gia rộng lớn cai trị bởi Tần Thủy Hoàng. Sau này dù lúc phân lúc hợp nhưng cơ bản Trung Quốc vẫn là một quốc gia thống nhất về chính trị. Nhờ tập trung nguồn lực, người Trung Hoa đã thực hiện các cuộc thám hiểm lớn khám phá vùng biển Indonesia và Ấn Độ Dương, đến tận bờ biển Đông Phi từ mấy thập kỷ trước khi 3 con tàu bé tí của Columbus đi tìm châu Mỹ.
Thống nhất về chính trị giúp Trung Quốc phát triển mạnh giai đoạn đầu, tuy nhiên lại là rào cản về sau. Vì chỉ cần một quyết định nhất thời của người đứng đầu là đủ ngăn chặn mọi sự đổi mới. Khi nhà vua không ủng hộ đô đốc Trịnh Hòa, chương trình đi biển của Trung Quốc bị dừng lại. Năm 1525 giới chức trách tuần duyên Trung Quốc phá hủy tất cả các tàu có khả năng đi ra đại dương.
Ngược lại với Trung Quốc, châu Âu chưa bao giờ thống nhất về chính trị. Những bước đi ban đầu của châu Âu tuy chậm chạp, nhưng sáng kiến để phát triển của họ không bị một ông vua độc tài chặn đứng. Columbus xin tài trợ đi biển, bị vua Bồ Đào Nha từ chối. Ông xin hoàng gia Tây Ban Nha thì được chấp thuận. Giả sử châu Âu thống nhất về chính trị và chỉ có một ông vua duy nhất như ở Trung Quốc thì có lẽ nhân loại còn lâu mới tìm ra châu Mỹ.
Khám phá châu Mỹ, Columbus mang về châu Âu những của cải lạ lẫm và mở ra cho họ một viễn cảnh nơi chân trời mới. Thế là các nước châu Âu đua nhau chinh phục vùng đất mới và nhờ cạnh tranh mà phát triển vượt bậc.
Bồ Đào Nha thế kỷ 15 dân số chỉ khoảng 1 triệu người. Biển đã giúp mạng lưới thống trị của họ vươn dài tới 3/4 con đường vòng quanh thế giới. Một bước nhảy vọt như thế vượt ra ngoài lý trí và cảm xúc, chưa từng được biết đến trong lịch sử. Thông tin này ghi trong cuốn “Sự giàu và nghèo của các dân tộc”, Nhà xuất bản Tri thức, năm 2022.
Trong giai đoạn nhất định, sức mạnh tập quyền hữu hiệu hơn dân chủ dàn trải. Tổng thống Park Chung Hee quyết đoán chấn hưng kinh tế Hàn Quốc. Ông cho rằng chỉ có một nhà nước cứng rắn, mạnh mẽ mới có thể thực thi được những sứ mệnh về an ninh quốc gia và phát triển kinh tế. Ưu tiên của ông nằm trong mấy chữ “trước là công nghiệp hóa, sau là dân chủ hóa”. Hàn Quốc đã phát triển thần kỳ về kinh tế nhưng dân chủ chưa kịp cải thiện. Kết cục nhà độc tài Park Chung Hee bị ám sát, cũng giống như số phận vua Philip xứ Macedonia xưa sau đánh chiếm Hi Lạp.
Các thành bang của Hi Lạp cổ đại luôn cạnh tranh nhau. Về quân sự thì khó đoàn kết chống ngoại xâm. Nhưng về tư tưởng thì lại tự do cởi mở. Ý tưởng, sáng kiến không dùng được ở thành bang này thì được thành bang khác sử dụng. Vì vậy, Hi Lạp trở thành cái nôi sản sinh triết học, khoa học, nghệ thuật của loài người. Hi Lạp nhất thời bị Macedonia thôn tính nhưng di sản người Hi Lạp để lại đã góp phần xây đắp nền văn minh nhân loại. Đó là giá trị không thể thay thế của dân chủ và cạnh tranh.
Tập trung quyền lực tạo sức mạnh ngay lập tức, giải quyết tình thế nhanh gọn, đặc biệt phù hợp khi nhiễu loạn. Nhưng không phải là giải pháp căn cơ, bền vững cho thời bình trị. Dân chủ dù còn nhiều hạn chế, nhưng vẫn là hình thái xã hội tốt nhất loài người từng biết đến. Dân chủ là khát vọng muôn đời nhưng có giai đoạn cần tập trung sức mạnh. Khi nào cần tập trung, khi nào cần dân chủ, kết hợp hài hoà tập trung dân chủ là những bài học quý giá trong lịch sử.
Trong cuốn “Nền dân trị Mỹ” (Nhà xuất bản Tri thức, năm 2008), Alexis de Tocqueville viết: “Muốn ngăn chặn nền dân trị thì cũng giống như đấu tranh chống lại chính Chúa Trời”. Vì vậy, các dân tộc chỉ còn một cách là thích nghi với dân chủ theo đặc điểm của riêng mình.
dhq