CON CHIM DẬY SỚM SẼ BẮT ĐƯỢC SÂU
Học sinh Nhật Bản đi học
Người Anh có câu “The early bird catches the worm” (tạm dịch là con chim dậy sớm sẽ bắt được sâu). Ý nghĩa của câu tục ngữ này là thành công sẽ đến với ai biết nắm bắt cơ hội trước tiên. Thời cơ chỉ đến một lần nên người nào có phản ứng nhanh nhất, người đó sẽ có cơ hội thành công cao hơn.
Sau khi thi được học bổng ở một trường đại học tại Anh, con tôi xin visa để đi du học. Đó là thời điểm cực khó vì Covid-19. Mỗi slot (suất, vị trí) có quá nhiều người cùng muốn đăng ký nên hệ thống thường tự động tạm dừng. Cơ hội không nhiều nên con tôi phải canh suốt ngày đêm, chờ một slot nào đó sáng đèn.
Thời cơ được người Anh đánh giá rất cao. Các nước văn minh cũng vậy, họ tuân theo nguyên tắc “First come first served” (Ai đến trước được phục vụ trước). Bạn tôi kể khi còn trẻ, anh đã từng tìm cơ hội đi du học Nhật Bản. Người hướng dẫn bảo anh ngày mai đến đăng ký danh sách; ngay cửa phòng tuyển sinh sẽ để sẵn tờ giấy đăng ký, ai đến chỉ việc viết tên mình, ai đến trước viết tên trước.
Anh thuê nhà gần đó, sáng sớm hôm sau, vội đến phòng tuyển sinh. Không thấy có ai mà cũng chẳng thấy tờ giấy đăng ký. Anh vào phòng hỏi người hướng dẫn hôm qua. Ông ấy nhã nhặn trả lời, ngày mới đã bắt đầu từ sau 0 giờ. Hôm nay chỉ hẹn phỏng vấn 70 người. Những người đi sớm hơn anh đã đăng ký đủ danh sách. Anh sẽ phải chờ cơ hội tiếp theo.
Câu chuyện trên khiến tôi nhớ lại một đoạn rất hay trong truyện “Hán Sở tranh hùng” (Nhà xuất bản Văn hóa- Thông tin, 2009). Sau khi nước Hàn bị thôn tính, Trương Lương mưu sát Tần Thủy Hoàng để trả thù nhưng bất thành, trong lòng trăm bề lo sợ, đành bỏ trốn đến một nơi xa.
Một chiều, có ông lão đi ngang qua cầu làm rơi chiếc giày xuống nước. Ông lão bảo Trương Lương: “Này tiểu tử, hãy nhặt chiếc giày cho ta”. Trương Lương cúi mình nhặt chiếc giày rồi kính cẩn trao cho ông lão. Ông lão xỏ chân vào giày rồi lại đánh rơi, lại bảo Trương Lương nhặt. Cứ thế đến ba lần, Trương Lương vẫn kính cẩn làm theo, không hề tỏ ý bất mãn.
Ông lão mỉm cười nhìn Trương Lương nghĩ “thằng nhỏ này có thể dạy được”, liền chỉ vào gốc cây cổ thụ gần đó, nói: “Năm ngày nữa, ngươi đến gốc cây này, ta sẽ cho một vật quý, chớ sai hẹn!”. Trương Lương cúi đầu vâng mệnh. Năm hôm sau, chàng dậy sớm, y hẹn đến chỗ gốc cây, thấy ông lão đã ngồi chờ sẵn. Ông lão mắng Trương Lương: “Đã hẹn với kẻ trượng phu cớ sao lại đến trễ? Thôi, ta hẹn cho năm ngày nữa, hôm đó phải đến cho sớm”.
Năm hôm sau, đầu trống canh năm, Trương Lương đã ra gốc cây, ngờ đâu ông lão cũng đã ngồi ở đó rồi. Ông lão mắng: “Sao ngươi lười nhác thế? Hôm nào cũng để ta phải chờ đợi! Thôi, ta hẹn cho năm ngày nữa”.
Lần này, Trương Lương không ngủ, suốt đêm ra gốc cây ngồi chờ. Trống canh năm vừa điểm, ông lão ngất ngưởng xuất hiện. Trương Lương sụp lạy nói: “Kính thưa tiên sinh có gì chỉ dạy, xin thương tình sai bảo”.
Ông lão nói: “Ta xem tiểu tử nhà ngươi cốt cách thanh kỳ, nếu biết dùng tuổi xanh lo việc học tập, sau này có thể đồ vương định bá. Nay ta cho ngươi ba quyển bí thư, trong có đủ kỳ mưu, thần toán. Ngươi hãy nhận lấy học tập, trước vì nước Hàn báo thù, sau vì thiên hạ giúp chân chúa đem lại thái bình, để khỏi phụ tình tri ngộ”.
Sau đó Trương Lương ra sức học tập, trở thành quân sư thiên tài giúp Lưu Bang diệt nhà Tần, đánh Hạng Vũ, sáng lập cơ nghiệp nhà Hán 400 năm thịnh trị.
Trên là câu chuyện ở Trung Quốc cổ đại. Khi có dịp sang Nhật Bản hiện đại, tôi cũng cố dậy sớm để xem ngày mới của người dân “xứ sở mặt trời mọc” thế nào. Không chỉ người lớn dậy sớm lên tàu đi làm, mà học sinh tiểu học ở Nhật Bản cũng có thói quen dậy sớm và tự lập sớm.
Tại Thủ đô Tokyo, khoảng 5h30 sáng đa số học sinh tiểu học đã phải dậy. Các cô bé, cậu bé 7 tuổi đeo ba lô lên vai, tự đi đến trường. Quãng đường thường mất mấy chục phút, thậm chí một giờ di chuyển, trong đó có hàng chục phút đi bộ từ nhà đến ga tàu, đi bộ nhiều lần để chuyển tàu và đi từ ga tàu đến trường. Tinh thần tự lập của trẻ em cũng giống như tinh thần tự cường của dân tộc, giúp Nhật Bản trở thành cường quốc.
Hàn Quốc sau chiến tranh là nước nghèo đói nhất thế giới. Nhưng với tinh thần cả dân tộc chăm chỉ “cúi đầu làm việc - ngẩng đầu làm người”, họ đã vươn lên, đứng vào hàng ngũ 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ở Việt Nam hiện nay, nhiều công nhân các tỉnh, mỗi ngày dậy từ 3 - 4 giờ sáng, vượt cả trăm ki-lô-mét đến làm việc ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai. Vất vả, nhưng họ thấu hiểu câu ông cha ta từng dạy: “giàu đâu đến kẻ ngủ trưa, sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày”.
dhq