“ĐAU ĐẺ KHÔNG CHỜ SÁNG TRĂNG”
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam.
Nhìn lại những ngày gian khó và nhìn ra thế giới, ta sẽ thấy tư duy mở trong thế giới hội nhập có ý nghĩa như thế nào.
Nền sản xuất nông nghiệp cũ, cơ bản không có hoạt động về đêm.
Trong truyện ngắn “Trăng sáng”, khi anh chồng tên Điền mơ mộng văn thơ “Giăng là cái liềm vàng... giăng tỏa mộng xuống trần gian...” thì với vợ Ðiền, “giăng chỉ là... đỡ tốn hai xu dầu! Dầu lạc lúc này mỗi chai lít hai đồng. Mỗi tối, thị đốt đèn một lát. Nhưng một lát cũng đủ tốn hai xu rồi”.
Vợ Điền là chân dung đại diện cho hầu hết người dân khi nước nhà còn tăm tối.
Những dòng trên nhà văn Nam Cao viết trước Cách mạng tháng Tám, ghi lại bối cảnh “thuở nô lệ dân ta mất nước, cảnh cơ hàn trời đất tối tăm”.
30 năm sau, “Trên đường thiên lý”, nhà thơ Tố Hữu reo lên: “Chào anh công nhân làm ra ánh sáng/ tan ca đêm Yên Phụ ra về/ Dáng anh đi lồng lộng trên bờ đê...”
Cùng với Hà Nội, Hải Phòng, miền Bắc đã xây dựng những khu công nghiệp mới Việt Trì, Thái Nguyên.
Ánh sáng công nghiệp đã lan tỏa trong những lời hát đầy tự hào “Thái Nguyên ơi, ngày nay xây đời mới, sáng ánh điện nhà máy thép gang” và “Ánh đèn sáng trên cầu Việt Trì, trong đêm khuya vẫn còn rọi về, nghe tưng bừng ngày đêm tiếng ca”...
Giống như Việt Nam, sau khi độc lập, Singapore và Hàn Quốc là những nước nông nghiệp lạc hậu.
Đau đẻ không chờ sáng trăng, họ buộc phải bước vào công nghiệp hóa.
Cuốn sách Hồi ký Lý Quang Diệu (Nhà xuất bản Trẻ) kể về bí quyết hóa rồng của Singapore, trong đó có chuyện trở thành trung tâm tài chính thế giới.
Vào những năm 60 của thế kỷ trước, nếu có ai đó dự đoán rằng Singapore sẽ trở thành một trung tâm tài chính thì hẳn sẽ bị coi là điên rồ.
Nhưng năm 1968 đã có một khởi đầu khó tin giúp người Singapore.
Tiến sĩ Winsemius nhớ lại một cuộc điện thoại với người bạn là Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Mỹ lúc đó đang ở London:
“Này ông Van Oenen, chúng tôi muốn Singapore trở thành trung tâm tài chính của Đông Nam Á trong vòng 10 năm nữa”.
Ông Van đáp lại “Được đấy, anh hãy đến London đi. Trong vòng 5 năm anh có thể phát triển nó.”
Winsemius lập tức đến London. Ông được dẫn đến trước một quả địa cầu lớn đặt trong phòng họp của ban giám đốc.
Van nói: “Anh hãy nhìn xem, thế giới tài chính bắt đầu ở Zurich (Thụy Sĩ). Các ngân hàng Zurich mở cửa lúc 9 giờ sáng, sau đó là Frankfurt (Đức), rồi đến London (Anh). Buổi chiều Zurich đóng cửa, kế đến là Frankfurt, rồi lại đến London. Trong lúc ấy New York (Mỹ) mở cửa. Vì thế, London chuyển giao dịch tài chính cho New York. Buổi chiều, New York đóng cửa và họ chuyển giao dịch sang San Francisco (Mỹ). Khi San Francisco đóng cửa thì thế giới chìm trong màn đêm. Không có gì xảy ra mãi cho đến 9 giờ sáng hôm sau (giờ Thụy Sĩ), đó là lúc các ngân hàng Thụy Sĩ mở cửa.
Nếu chúng ta đặt Singapore vào giữa, trước lúc San Francisco đóng cửa thì Singapore sẽ nắm quyền kiểm soát. Và khi Singapore đóng cửa, nó sẽ chuyển giao cho Zurich.
Vậy, nếu đi vào hoạt động, lần đầu tiên chúng ta sẽ có một dịch vụ vòng quanh thế giới về tiền tệ và ngân hàng trong suốt 24 giờ một ngày”.
Một đất nước nhỏ bé đã nối mạch để dòng tài chính tiền tệ toàn cầu không bị gián đoạn, để thế giới không chìm trong màn đêm, câu chuyện trên cho thấy tầm nhìn và sự quyết đoán của Singapore trong quá trình hội nhập quốc tế.
Tôi có một người bạn làm việc tại Tòa trụ sở các cơ quan Liên hợp quốc tại Hà Nội. Ban đêm ở Việt Nam lại là giờ làm việc ban ngày tại Mỹ nên có những việc thông tin đến là phải xử lý, việc đến là phải vận hành, không kể giờ hành chính, không kể ngày hay đêm.
Làm hết việc chứ không làm hết giờ, đó là TƯ DUY của công dân toàn cầu.
Phát triển kinh tế ban đêm theo đề án được Thủ tướng phê duyệt, vì vậy cần nhất là thay đổi TƯ DUY.
Nhất thiết phải vượt qua được rào cản của TƯ DUY “không quản được thì cấm”.
Nhất thiết phải vượt qua định kiến về những tiêu cực của kinh tế ban đêm.
Đi ra thế giới, chúng ta đã phần nào nhận thấy vai trò của kinh tế ban đêm ở các nước.
Kinh tế ban đêm của nước ta nếu được quản lý tốt sẽ có đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, khai thác tiềm năng các hoạt động du lịch, dịch vụ, mua sắm, quảng bá văn hóa và ẩm thực Việt Nam ra thế giới.
Suy cho cùng thì quản lý là để phát triển./.
dhq
(Bài đăng Hồ sơ sự kiện, 10/9/2020)