“Đi một ngày đàng...”
Trong thông điệp đầu Xuân Quý Mão 2023, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc E.Knapper cho biết Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 5 thế giới về số sinh viên đang học tập tại Mỹ. Hơn 30.000 thanh niên Việt Nam đang học tập tại Mỹ, con số này nói lên điều gì?
ảnh minh họa
Ngược dòng thời gian, Nhật Bản là quốc gia đi đầu trong việc cử du học sinh sang học tập văn minh ở các nước phương Tây. Trong cuốn sách “Những nhà cải cách Việt Nam (Nhà xuất bản Trẻ, năm 2010), tác giả Lê Minh Quốc cho biết, vào thời
Vua Tự Đức, khi ở Việt Nam đang thực hiện chính sách đóng cửa với thế giới bên ngoài (bế quan tỏa cảng) thì ở Nhật Bản, người ta đã tuyển chọn những học sinh tuấn tú nhất, tuổi đời từ 12 đến 22, cho sang Anh du học.
Fukuzawa Yukichi là nhà tư tưởng khai sáng, nhà giáo dục tiên phong của “đất nước Mặt trời mọc”. Sau khi bôn ba học hỏi ở châu Âu và Mỹ, trở về Nhật Bản năm 1873, cùng với một số trí thức Tây học, ông đã lập ra Hội trí thức Meirokusha. Các thành viên trong Meirokusha đã dịch nhiều tác phẩm về tư tưởng, chính trị, kinh tế, luật pháp, giáo dục phương Tây ra tiếng Nhật. Các tác phẩm được dịch và giới thiệu ở Nhật Bản trong thời kỳ này là các cuốn sách kinh điển đã góp phần đặt nền móng cho tiến bộ của phương Tây như “Tinh thần pháp luật” của Montesquieu, “Khế ước xã hội” của Rousseau, “Tự do mậu dịch” của Adam Smith... Điều đó càng thôi thúc thanh niên Nhật Bản hăm hở vượt biển đi học tập các nước Âu - Mỹ.
Mấy năm trước, trong khóa học của chúng tôi tại Tokyo, nhà báo nổi tiếng Fumio Matsuo đã được Bộ Ngoại giao Nhật Bản mời đến nói chuyện với lớp cán bộ đối ngoại của Việt Nam. Ông Fumio cho biết nước Nhật hiện đại, sau thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất thế giới, từ năm 1990, bắt đầu bước vào giai đoạn suy thoái. Theo nhà báo Fumio, một trong những nguyên nhân dẫn đến cái ông gọi là “hai thập kỷ mất mát” của Nhật Bản là do số lượng du học sinh Nhật Bản ở Mỹ và các nước phương Tây không còn đông đảo như trước, tinh thần cầu thị học hỏi của người Nhật đã bị suy giảm đáng kể.
Nhà báo Fumio từng làm phóng viên Nhật Bản thường trú tại Mỹ. Ông cho biết, dẫn đầu trong số các nước có du học sinh đông nhất tại Mỹ trong những năm qua là Trung Quốc. Năm 2018, số lượng du học sinh Nhật Bản tụt xuống vị trí thứ 9. Du học sinh Trung Quốc vào học những trường ưu tú nhất của Mỹ, đặc biệt họ chú trọng các trường bussiness school là nơi thường xuyên cập nhật thông tin mới nhất thế giới về kinh tế, khoa học, công nghệ. Lực lượng du học sinh đông đảo này là một nguồn sức mạnh cho cải cách mở cửa của Trung Quốc hiện đại. Du học sinh Trung Quốc ngày càng đông đảo còn góp phần lan tỏa các giá trị Trung Hoa ra thế giới. Nhà báo Fumio cho biết, học nói tiếng Trung là một cái mốt trong giới thượng lưu Mỹ. Người Nhật rất lo lắng về sự tụt hậu này của nước mình và đang tìm cách phục hưng tinh thần Nhật Bản trong giới trẻ.
Trong lịch sử thế giới, nhiều nhà cải cách kiệt xuất từng du học ở nước ngoài. Thế kỷ XVII, Vua Pyort từng học nghề đóng tàu ở Hà Lan. Khi trở về nước Nga, ông tiến hành cải cách, hiện đại hóa hải quân, đưa nước Nga lạc hậu trở thành đại đế quốc. Ông Đặng Tiểu Bình, kiến trúc sư của sự nghiệp cải cách mở cửa Trung Quốc, từng học tập và làm việc tạiPháptrong những năm 20 của thế kỷ XX. Tổng thống Hàn Quốc Park Chung Hee vốn là du học sinh ở Nhật Bản. Học hỏi tinh thần Nhật Bản, ông đã trực tiếp khởi xướng và dẫn dắt đất nước Hàn Quốc từ đống tro tàn đến phát triển thần tốc, tạo ra “kỳ tích sông Hàn” nổi tiếng. Thủ tướng Lý Quang Diệu, nhà lãnh tụ lập quốc của Singapore, từng du học ở Anh. Ông đã đưa những làng chài heo hút trở thành trung tâm tài chính, thương mại toàn cầu, đưa Singapore trở thành một trong những nơi đáng sống nhất trên thế giới.
Trở lại câu chuyện du học sinh Việt Nam tại Mỹ, theo tin trên báo Nhân Dân, tối 29-3-2023, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị Mỹ tiếp tục tạo thuận lợi để tăng số lượng du học sinh Việt Nam tại Mỹ. Đây là một tin tốt lành nhân dịp 2 nước Việt Nam - Hoa Kỳ kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác toàn diện. Người Việt chúng ta vốn có truyền thống hiếu học. Từ xa xưa, ông cha ta đã dạy con cháu “đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Điều này còn đúng cho mọi quốc gia, mọi thời đại./.
Huyền Dư