FACEBOOK, TWITTER & TỰ DO, LUẬT PHÁP
Đầu năm 2021, các mạng xã hội Twitter và Facebook đồng loạt khóa tài khoản của Tổng thống Trump vì cho rằng thông tin của ông Trump kích động người biểu tình gây bạo loạn, chiếm tòa Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021. Việc này có vi phạm quyền tự do thông tin, tự do ngôn luận của công dân hay không là điều gây nhiều tranh cãi.
Các chuyên gia tinh thông pháp luật có cách lý giải của họ. Còn ở đây, chúng ta thử hình dung một chuyện đơn giản như sau: Nếu được cấp phép, bạn bỏ tiền ra xây dựng một sân thể thao, sân chơi này sẽ có nội quy, điều lệ cụ thể (không trái quy định của pháp luật). Ai vi phạm nội quy, điều lệ, bạn sẽ cho ra ngoài. Một anh không đến sân để chơi thể thao mà lại kích động những người khác đánh nhau trên sân, người đó sẽ bị mời ra khỏi sân.
Các mạng xã hội Facebook, Twitter về bản chất cũng là các sân chơi, có điều lệ, chính sách của họ. Ai kích động bạo loạn là vi phạm "tôn chỉ mục đích" của họ nên bị cấm cửa cũng là chuyện bình thường.
Facebook, Twitter là của các doanh nghiệp tư nhân. Họ có quyền tự do kinh doanh, thu lợi nhuận và bảo vệ tài sản của mình. Họ được phép kinh doanh trong phạm vi luật không cấm. Nếu họ để xảy ra chuyện vi phạm pháp luật (như kích động bạo loạn) trên sân chơi của mình thì sân chơi đó sẽ bị đóng cửa.
Để tránh bị pháp luật trừng phạt, Facebook và Twitter buộc phải cấm cửa ông Trump khi cho rằng ông ấy cổ vũ bạo loạn. Đây là việc tự bảo vệ chính mình của các doanh nghiệp. Khi ông Trump về nghỉ hưu, không kích động bạo loạn nữa (không vi phạm luật chơi) thì lại được ra sân chơi tự do như mọi người.
Để tự do ngôn luận của một công dân kích hoạt bạo lực là vi phạm pháp luật, Facebook và Twitter không dám làm thế. Như vậy, Facebook và Twitter đã thượng tôn pháp luật. Công dân được tự do ngôn luận trên mạng xã hội nhưng không được để tự do của mình xâm phạm đến tự do của người khác và phá hoại sân chơi chung. Đó cũng là thượng tôn pháp luật trong một xã hội văn minh.
Cách đây hơn 3.700 năm, vua Hammurabi của Vương quốc cổ Babylone đã ban bố một bộ luật quy định về tố tụng, địa tô, vay nợ, kế thừa, trộm cắp, buôn bán, hôn nhân…Đây là bộ luật thành văn đầy đủ đầu tiên của loài người được khắc trên cột trụ bằng đá với 282 điều, hiện được lưu trữ tại Bảo tàng Luvre của Pháp (theo cuốn “Thế giới 5000 năm” của Chu Hữu Chi, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, 2013).
Như ghi chép trong cuốn sách trên thì xã hội Babylone có 3 giai cấp: quý tộc, bình dân và nô lệ. Luật Hammurabi rất nghiêm khắc với người trên, khoan dung với kẻ dưới. Ví dụ, giai cấp quý tộc mà phạm tội thì bị trừng phạt nặng nhất, rồi đến giai cấp bình dân. Giai cấp nô lệ được hưởng khoan hồng nhất. Về phương diện này, nhà nước Babylone cổ văn minh hơn rất nhiều so với những dân tộc khác.
Theo sử sách còn ghi thì ở Trung Quốc, nơi mệnh danh là cái nôi của văn minh phương Đông, thày Khổng Tử dạy rằng "lễ không xuống đến thứ dân, hình không lên đến đại phu" nghĩa là hình phạt, luật pháp không áp dụng với người bề trên.
Thời Tam Quốc, trong một lần hành quân, ngựa của Tào Tháo chạy bừa vào ruộng lúa đang chín. Theo quy định do Tào Tháo đặt ra thì người cưỡi ngựa nào vi phạm như trên phải bị chém. Mưu sĩ can rằng hình phạt không áp dụng với bề trên, nên Tào Tháo không tự chém đầu, chỉ “cắt tóc thay đầu”.
Các nhà lập quốc và lập pháp Mỹ đã khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 rằng tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Vì vậy, ở Mỹ, pháp luật áp dụng cho mọi người, không phân biệt Tổng thống hay dân thường. Sau vụ người biểu tình xông vào chiếm tòa nhà Quốc hội, Hạ viện Mỹ đã đưa Tổng thống Trump ra luận tội. Ông Trump có tội hay không còn phải chờ Thượng viện Mỹ xem xét.
Nếu Hạ viện Mỹ (do đảng Dân chủ kiểm soát) không căn cứ quy định pháp luật, chỉ luận tội Tổng thống Trump (của đảng Cộng hòa) vì yêu ghét cảm tính, thì cử tri Mỹ sẽ trừng phạt họ bằng lá phiếu khi bầu cử. Dù là biểu tượng của nền dân chủ, Hạ viện và Thượng viện cũng chỉ được làm những gì pháp luật cho phép.
Pháp luật cũng trao cho Tổng thống Mỹ quyền lực rất lớn. Ngay cả khi đã bị Hạ viện luận tội, Tổng thống Trump vẫn có quyền ra lệnh ân xá cho công dân, cho người thân. Ông Trump thậm chí có thể tự ân xá cho bản thân.
Ông Trump đã ân xá cho nhiều người thân tín để họ dù có tội vẫn không bị pháp luật trừng phạt (sau khi ông rời nhiệm sở). Nhưng ông Trump đã không sử dụng quyền đó để ân xá cho chính mình.
Trong lịch sử, đến nay mới chỉ có chuyện “cắt tóc thay đầu”, chưa có chuyện “tự ân xá cho chính mình”.
dhq