Sống chung với camera
Dữ liệu do CCTV ghi lại chỉ được công bố bởi cơ quan công quyền hoặc đơn vị có trách nhiệm khi có vấn đề xảy ra. Hiện nay hệ thống CCTV công cộng gần như được lắp đặt ở khắp mọi nơi trên đất nước Hàn Quốc nhất là tại các đô thị lớn, nó hiện hữu như một phần tất yếu của cuộc sống. Nhờ được áp dụng công nghệ tiên tiến, CCTV hoạt động 24/24 và ngày càng cho ra tín hiệu hình ảnh chất lượng cao. Dữ liệu do CCTV cung cấp đã hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động nghiệp vụ an ninh, phòng chống tội phạm, giám sát giao thông và các hoạt động vì lợi ích cộng đồng.
Bất cứ hoạt động nào của con người cũng có thể được ghi hình bởi hệ thống chằng chịt các camera. Với hơn 8 triệu camera giám sát hoạt động ở mọi nơi từ sân bay, bến cảng, ga tàu điện ngầm đến đường phố, Hàn Quốc hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ camera giám sát nhiều nhất trên thế giới.
Không chỉ có các CCTV của cơ quan chức năng mà còn có hàng triệu camera khác của cá nhân, tổ chức được gắn ở nhà riêng, công sở, trên phương tiện giao thông và điện thoại thông minh…Như vậy trên đất nước Hàn Quốc, khi có vấn đề xảy ra gần như ngay lập tức cơ quan chức năng có thể trưng tập đủ chứng cứ bằng hình ảnh nhằm hỗ trợ giải quyết vấn đề.
Hiệu ứng tích cực
Khi các camera giám sát ngày càng trở nên phổ biến như một phương pháp phòng ngừa tội phạm và hỗ trợ giải quyết nhiều vấn đề theo hướng tích cực thì các mối lo ngại cũng đã được đặt ra về quyền riêng tư. Người ta lo ngại rằng sự gia tăng số lượng camera như vậy có thể dẫn đến việc lạm dụng và phụ thuộc quá mức vào hình ảnh do CCTV cung cấp.
Tuy nhiên, ai ai cũng nhận thức được rằng việc lắp đặt camera là nhu cầu tất yếu của chính cá nhân, tổ chức và sự cần thiết đối với cơ quan chức năng và những ý kiến này vẫn vượt trội so với ý kiến trái chiều. Đây cũng chính là gốc rễ của cái gọi là văn hoá CCTV tức là người ta chấp nhận nó hiện hữu trong đời sống xã hội. Cho dù ai đó đang làm gì họ cũng luôn ý thức được rằng có một hệ thống công nghệ 4.0 và hiện giờ là 5.0 đang giám sát mình và điều quan trọng là hầu hết mọi người, ai ai cũng ý thức được rằng cần phải tôn trọng những quy tắc ứng xử chung và cân nhắc trước những hành động của mình.
Quan sát trên phố xá có vẻ như ai đó đều đang đóng vai chính trong bộ phim về cuộc đời và sự nghiệp của riêng mình. Một cách ngẫu nhiên, điều này mang lại những lợi ích nhất định trong xã hội đương đại. Đôi khi nó làm chúng ta ngay ngắn hơn khi ra ngoài, đôi khi nó làm ta lịch sự hơn khi giao tiếp, đôi khi nó làm ta cẩn trọng hơn trong hành động. Những thói quen tích cực được lặp đi lặp lại đã trở thành một nét văn hóa "Made in Korea", một nét văn hóa mang dấu ấn thời đại./.
Xuân Nhuần