Thế kỷ XVII, ở Hà Lan, hoa tulip làm xôn xao châu Âu với cái gọi là “tulipmania”. Mania nghĩa là tâm trạng hứng khởi đột biến. “Tulipmania” là hội chứng cuồng mê hoa tulip. Đây là câu chuyện về bong bóng tài chính đầu tiên trên thế giới. Các nhà đầu tư đổ xô vào mua hoa tulip một cách điên cuồng, đẩy giá của chúng lên mức cao chưa từng có.
Tulip vốn là cây hoa dại, dễ trồng, chẳng có gì khan hiếm. Thế mà trung bình một bông hoa tulip giá hơn 4000 florin (tiền Hà Lan), vượt quá thu nhập cả năm của một người thợ tay nghề cao và đắt hơn một ngôi biệt thự. Rồi bất chợt, giá giảm mạnh trong vòng một tuần, nhiều người đầu tư vào hoa tulip đã phá sản ngay lập tức.
Thế kỷ XXI này, ở Việt Nam, một hội chứng cuồng mê hoa cũng xảy ra. Cái gọi là “lan đột biến” đã khuấy động từ làng quê đến phố thị. Ở đâu cũng bàn tán chuyện chỗ này mua một mầm lan giá mấy trăm triệu đồng, chỗ kia có người sau một đêm bỗng “đột biến” thành tỷ phú. Rồi đua nhau đầu tư, bán đất bán nhà, vay trong vay ngoài chơi “lan đột biến”.
Lan vốn là loài hoa đẹp. Trong cuốn “Vũ trung tùy bút”, danh sĩ Phạm Đình Hổ (1768-1839) viết rằng, đời xưa gọi lan là vương giả hương, vì hoa lan thanh nhã bất phàm, các loài hoa khác khó mà sánh kịp. Một lần cảm khái vì thời thế, Khổng Tử dừng xe trước một hẻm núi, đàn hát thương cho cây lan có vẻ thơm tho mà đời không ai biết. Từ đó hoa lan mới nổi tiếng là quốc hương.
Hàng nghìn năm nay, hoa lan vẫn đẹp, vẫn sang, vẫn dịu dàng như vậy. Nếu có “đột biến” thì chắc là đột biến từ một thú chơi tao nhã xưa, nay bỗng chốc trở thành một ngành kinh doanh chóng mặt.
Và cũng giống như hội chứng hoa tulip cách đây hơn 400 năm, khi bong bóng đa cấp xẹp hơi, nhiều người đầu tư vào “lan đột biến” đã rơi vào phá sản. Có người trình báo công an rằng mình bị lừa đảo mất mấy tỷ đồng. Thật là “bắc thang lên hỏi ông giời, tiền lan đột biến còn đòi được chăng”.
Cơn cuồng mê “lan đột biến” hiện nay gợi nhớ chuyện 10 năm trước. Năm 2011, người dân các huyện Hóc Môn, Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh ồ ạt rủ nhau đi bắt đỉa, gom về bán cho thương lái nước ngoài. Họ mua đỉa lên tới vài trăm nghìn một cân khiến không ít người dân đã bỏ ruộng bỏ vườn để đi săn bắt đỉa.
Khi đã đẩy giá lên mức cao nhất, thương lái bí mật chia người mang đỉa bán ra. Dân ta tưởng giá đỉa còn tiếp tục lên cao, tranh nhau mua để bán lại kiếm lời. Có ngờ đâu rằng, ngay sau khi lừa bán hết cho dân, thương lái bỏ trốn. Dân ta không biết bán lại cho ai, để lại trên những cánh đồng ngập tràn đỉa đói.
Tại Lạng Sơn, năm 2012, hàng loạt người dân huyện Lộc Bình bất ngờ đổ xô lên rừng đào rễ cây sim về bán giá cao cho thương lái nước ngoài. Việc đào rễ sim đã trở thành phong trào. Chẳng biết thương lái mua rễ sim nhằm mục đích gì nhưng hậu quả mà nó mang lại là quá rõ ràng. Các cánh rừng sim bị phá hủy trên diện rộng dẫn đến tình trạng xói mòn đất, giảm khả năng ngăn nước từ thượng nguồn, tăng nguy cơ xảy ra lũ quét. Ngoài ra, còn ảnh hưởng gián tiếp đến các hoạt động kinh tế, xã hội, an ninh, trật tự trên địa bàn.
Ngoài đỉa và rễ sim, các nơi khác, thương lái còn mua hạt cây chè, rễ cây phong ba, lá cây mật gấu, rồi móng trâu, vó bò…Tóm lại tất cả các thứ về công dụng là lờ mờ bí hiểm, hoặc khó tìm khan hiếm, hoặc kỳ quặc dị thường, tất cả những gì có thể lợi dụng được để thổi giá.
Người ăn non, lướt sóng thì hí hửng kiếm chác, kẻ chậm chân thì chỉ biết than khóc với những thứ hàng cho chẳng ai thèm, để thì gây tác hại môi trường. Chung quy cũng chỉ vì miếng mồi thơm. Kiếm đồng tiền chân chính chưa bao giờ là chuyện dễ dàng. Miếng pho mát miễn phí chỉ có trên cái bẫy chuột. Đó vẫn là bài học xưa chưa bao giờ cũ./.
dhq