Người trong nghịch cảnh
Trong lịch sử đúng là người trong nghịch cảnh thường thông minh, can trường, người trong nhung lụa thường trì trệ, yếu đuối. Nhà bác học Lê Quý Đôn khẳng định từ xưa, những người đã dựng lên sự nghiệp lạ lùng vĩ đại, chưa từng ai không ở những hoàn cảnh đạm bạc mà ra. Nếu bạn đang ở trong hoàn cảnh khó khăn, đừng lo, bạn sẽ có cơ hội phát triển.
Tác giả ở Hàn Quốc 2019 và Trung Quốc 2023
Lê Lợi khi còn ở núi Lam Sơn đánh nhau với quân Minh bị thua, tướng sĩ bỏ chạy toán loạn. Lúc chạy qua cánh đồng, thấy có một ông già đang cùng người vợ lom khom tát nước bắt cá ở bên bờ ruộng, Lê Lợi liền chạy tới, lội xuống ruộng, cởi ngay áo vùi xuống bùn, cùng bắt cá với hai ông bà già. Quân Minh đuổi đến nơi, hỏi ông lão rằng: "Có thấy Lê Lợi chạy qua đây không?". Ông lão đáp: "Không thấy". Lê Lợi ngảnh tai lên nghe. Ông lão liền mắng: "Thằng này sao không bắt cá đi, việc gì đến mày!". Quân Minh không nghi hoặc gì cả, bỏ đi.
Lê Lợi thoát chết, rồi thu nhặt tàn binh mưu lại việc lớn. Sau 10 năm nếm mật nằm gai, Lê Lợi đã lãnh đạo nghĩa quân Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh, lập ra triều đại nhà Lê kéo dài tới 360 năm. Chuyện này chép trong cuốn “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ (Nhà xuất bản Trẻ, năm 2012).
Mỗi người bình thường chỉ dùng khoảng 5% năng lực của não bộ. Khi hoàn cảnh có vấn đề, tư duy mới được kích hoạt. Hoàn cảnh càng ngặt nghèo, trí tuệ càng được huy động triệt để. Đó là bản năng sinh tồn. Giữa sống và chết, người ta buộc phải dựa vào bản lĩnh, trí khôn của mình. Lê Lợi nhờ thông minh mà thoát chết. Ông già bắt cá cũng nhờ nhanh trí mà cứu được Lê Lợi, cũng là cứu chính mình thoát tội đồng phạm che giấu kẻ đang bị truy đuổi.
Sách “Quốc gia khởi nghiệp” của Dan Senor và Saul Singer (Nhà xuất bản Thế giới, năm 2013) cho rằng nghịch cảnh là nguyên nhân chính giải thích cho “hiện tượng Israel”. Mấy chục năm trước, sự tẩy chay của cả khối Ả rập và sự quay lưng không trợ giúp của Tổng thống Pháp De Gaulle chính là “hai vị cha đẻ” của ngành công nghệ cao Israel. Người Do Thái Israel buộc phải dựa vào bản lĩnh và trí tuệ của chính mình. Họ đã tạo ra kỳ tích “sa mạc nở hoa”.
Trong nghịch cảnh người ta sẽ phát huy tối đa khả năng sáng tạo. Nhiều nước có diện tích nhỏ bé và thường xuyên bị đe dọa như Hàn Quốc, Singapore cũng phát triển một cách kiêu hãnh và ấn tượng như Israel nhờ vươn lên từ nghịch cảnh.
Hoàn cảnh ngặt nghèo nhất chính là chiến tranh. Trong kháng chiến chống Pháp, việc nấu ăn giữa rừng của bộ đội ta gặp rất nhiều rủi ro. Ban ngày thì khói bốc lên, ban đêm có lửa lập loè, dễ bị địch phát hiện. Điều đó khiến Thượng sĩ Hoàng Cầm, Tiểu đội trưởng nuôi quân thuộc Sư đoàn 308 (Đại đoàn quân Tiên phong) vô cùng trăn trở.
Sau nhiều lần làm thử, ông đã tạo ra một loại bếp rất đặc biệt: khoét vào sườn đồi hoặc đào sâu xuống đất với những đường rãnh giống như râu mực từ bếp bò đi khá xa. Trên các rãnh được lát bằng cành cây và phủ đất ẩm, tạo thành những ống thoát khói. Khi nấu ăn, khói từ bếp sẽ toả vào các rãnh, bốc lên thì lại gặp đất ẩm nên bị lọc và cản lại, vì thế khói chỉ bay là là trên mặt đất chứ không bốc thẳng lên trời, tránh bị địch phát hiện. Bếp Hoàng Cầm ra đời từ chiến dịch Hòa Bình (1951-1952) và rất phổ biến trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là một sáng tạo mang tính ứng dụng rất cao.
Nếu bếp Hoàng Cầm hạn chế khói bốc lên, thì bếp Ondol của người Hàn Quốc lại dùng khói để sưởi ấm. Sưởi ấm dưới sàn truyền thống thể hiện sự sáng tạo của người Hàn Quốc trong việc đối phó với mùa đông khắc nghiệt.
Bếp Ondol xuất hiện từ thời đại đồ đồng (khoảng năm 900 trước Công nguyên), sử dụng nguyên lý chuyển hơi nóng từ bếp củi đốt, theo hệ thống dẫn nhiệt được đặt dưới sàn vào phòng ở. Bếp Ondol vừa giúp người dân đun nấu vừa có tác dụng truyền khói và hơi nóng từ bếp lửa đắp bằng đất sét bên ngoài vào những hòn đá phẳng đặt dưới sàn nhà. Những hòn đá này giúp làm ấm sàn, từ đó làm ấm cả căn nhà và cuối cùng khói được đưa ra ngoài qua ống khói.
Ở những nơi giá rét không ngủ được, người ta buộc phải nghĩ cách chống rét, rồi nghĩ kế mưu sinh làm cho con người luôn năng động. Ở nơi mát mẻ quanh năm “ngồi đâu là nhà, ngã đâu là giường” có lợi thế tự nhiên, nhưng cũng làm con người thui chột động lực sáng tạo.
Trang goodreads. com đăng một câu nổi tiếng của Michael Hopf “hard times create strong men” (thời thế khó khăn tạo nên con người mạnh mẽ). Ông đã tóm tắt chu kỳ đáng kinh ngạc của lịch sử: “Thời thế khó khăn tạo nên người mạnh mẽ, người mạnh mẽ tạo ra thời kỳ tốt đẹp, thời kỳ tốt đẹp tạo nên kẻ yếu đuối và kẻ yếu đuối tạo ra thời thế khó khăn”.
Huyền Dư