NHỮNG BÀI BÁO THAY ĐỔI THẾ GIỚI
Ảnh minh họa
Năm 1765 nước Anh thông qua Đạo luật Tem quy định bất kì một giấy tờ nào ở thuộc địa Mỹ chỉ hợp pháp khi được dán tem của triều đình Anh Quốc. Đây là một dạng thuế trá hình, khiến các thuộc địa xôn xao. Samuel Adams ở Boston viết báo quyết liệt chống lại đạo luật đó, theo ghi chép trong sách “33 chiến lược của chiến tranh” (Nhà xuất bản Trẻ, 2019).
Những bài xã luận của Adams thúc giục tẩy chay hàng hóa của Anh ở thuộc địa khiến tháng 4/1766, triều đình buộc phải bãi bỏ điều luật này. Người dân các thuộc địa Mỹ đã kết nối với nhau như thế trong lần phô diễn sức mạnh đầu tiên của mình.
Rất khó chịu với thất bại này, năm sau, người Anh lại đưa ra một loạt thuế gián tiếp. Adams lại viết nhiều bài báo phản đối, một lần nữa khuấy động sự giận dữ của công chúng, dẫn đến biểu tình. Nước Anh điều quân tới Boston, binh lính nổ súng vào đám đông, giết chết nhiều người. Adams viết bài “Vụ thảm sát Boston”, truyền bá ngôn từ dữ dội khắp các thuộc địa Mỹ.
Khi những chuyến tàu chở hàng của Anh cập cảng Boston, những bài báo của Adams đã châm ngòi cho cuộc tẩy chay toàn quốc. Người Anh không thể khoan thứ, đóng cửa cảng Boston, áp dụng thiết quân luật đối với Massachusetts, binh lính nổ súng vào người dân.
Qua các bài báo của Adams, vụ nổ súng được toàn thế giới nghe thấy. Nó trở thành tia lửa cho cuộc chiến tranh Adams kích hoạt để giành độc lập cho các thuộc địa Mỹ. Adams trở thành một trong những người sáng lập Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, làm thay đổi cục diện thế giới.
77 năm sau bài báo của Adams, nước Phổ cũng rung chuyển vì một bài báo sắc sảo của Karl Marx trên tờ Rheinische Zeitung (Nhật báo tỉnh Ranh) chống lại sự kiểm duyệt báo chí của chế độ chuyên chế Phổ, nhân đó lên án gay gắt thể chế nhà nước Phổ.
Khi trở thành người lãnh đạo tờ báo Rheinische Zeitung vào tháng 10/1842, Marx đã phê phán kịch liệt chế độ chuyên chế Phổ và những nhà tư tưởng bênh vực cho chế độ này. Tháng 1/1843, Chính phủ Phổ ký lệnh đình bản tờ báo.
Sau này, trong cuộc đời hoạt động của mình, Karl Marx đã sử dụng báo chí làm phương tiện truyền bá tư tưởng mới, góp phần thay đổi thế giới hiện đại.
Còn ở Trung Quốc, cuối những năm 1970, cuộc đấu tranh giữa phái “thực tiễn” do Đặng Tiểu Bình- Hồ Diệu Bang đứng đầu với phái “phàm là” do Hoa Quốc Phong- Uông Đông Hưng đứng đầu là nét nổi bật trong đời sống chính trị nước này, theo cuốn “Mưu lược Đặng Tiểu Bình” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, 2000).
Ngày 7/2/1977, bài xã luận về “học tốt văn kiện” do Uông Đông Hưng chủ trì biên soạn đăng các báo lớn toàn quốc với tinh thần chỉ đạo “hai phàm là” (phàm những quyết sách do Mao Chủ tịch đưa ra, chúng ta đều kiên quyết ủng hộ; phàm những chỉ thị của Mao Chủ tịch, chúng ta đều triệt để tuân theo).
Phái “thực tiễn” của Đặng Tiểu Bình thì đề xuất phải lấy sự đúng đắn, hoàn chỉnh trong tư tưởng Mao Trạch Đông chứ không chỉ lấy từng câu cá biệt, từng đoạn vụn vặt như cách làm máy móc, giáo điều của phái “phàm là”.
Trong khi hai phái còn đang tranh luận bất phân thắng bại thì giảng sư Hồ Phúc Minh ở Đại học Nam Kinh viết bài về tiêu chuẩn của chân lý. Theo đó các tư tưởng, học thuyết, quyết sách dù hay ho đến mấy cũng phải phù hợp với thực tiễn, được thực tiễn kiểm nghiệm thì mới là chân lý. Chỉ có thực tiễn mới là tiêu chuẩn duy nhất của chân lý.
Được Hồ Diệu Bang ủng hộ, ngày 11/5/1978, trong khi Chủ tịch Hoa Quốc Phong đang đi thăm Triều Tiên thì Quang Minh nhật báo đăng bài “Thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý”. Ngay sau đó, Tân Hoa xã chuyển phát toàn văn và hôm sau, Nhân Dân nhật báo và Giải phóng quân báo đăng lại toàn văn.
Với bài báo trên, thần thoại “hai phàm là” đã bị đả phá. Không ai có thể phủ nhận “thực tiễn là tiêu chuẩn duy nhất để kiểm nghiệm chân lý”. Đó cũng là nguyên tắc cơ bản của chủ nghĩa Marx. Ngày 19/5/1978, Đặng Tiểu Bình chính thức tỏ thái độ, khẳng định bài báo phù hợp với chủ nghĩa Marx- Lenin, không thể bác bỏ được.
Năm 1978, các bộ, ngành, tỉnh, thành toàn quốc có 650 bài báo thảo luận ủng hộ “thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý”. Tán thành điều này cũng chính là chống lại phái "phàm là" của Hoa Quốc Phong, ủng hộ phái “thực tiễn” của Đặng Tiểu Bình, trao cho ông Đặng cơ hội tiến hành sự nghiệp cải cách mở cửa ở Trung Quốc, cũng là đem lại ấm no, thịnh vượng cho 1/4 dân số trên thế giới.
Đấu tranh cho giải phóng dân tộc, đấu tranh cho cải cách, đổi mới, đó xứng đáng là những bài báo làm thay đổi thế giới.
dhq