Nói không thành có
Nước Lỗ thời Xuân Thu có học trò giỏi của Khổng Tử là Tăng Sâm, vốn là người hiền hậu, hiếu thảo. Bà mẹ của Tăng Sâm là người trung tín, một lòng một dạ tin con. Đột nhiên có kẻ bảo “Tăng Sâm giết người”, bà mẹ không tin. Người thứ hai bảo “Tăng Sâm giết người”, bà mẹ còn chưa tin. Đến người thứ ba bảo “Tăng Sâm giết người” thì bà mẹ cuống cuồng chạy trốn. Như thế mới thấy cái dư luận của thiên hạ rất là mạnh. Mẩu chuyện này chép trong cuốn "Cổ học tinh hoa" (Nhà xuất bản Văn học, tái bản 2022).
Về tác động của dư luận, ngạn ngữ Nga có câu “miệng thế gian như sóng biển”. Người Việt thì nói “lộng giả thành chân” nghĩa là "bỡn quá hóa thật". Thực tế cho thấy, nhiều chuyện không có thật nhưng nói mãi cũng có người tin. Lần đầu nghe bài hát thường không hay bằng nghe các lần sau. Khi ta thuộc lời bài hát thì càng thấy nó hay hơn, thấm thía hơn. Xét về mặt thần kinh, bộ não của chúng ta xử lý những thứ chúng ta đã từng nghe dễ dàng hơn so với những thứ chúng ta chưa nghe bao giờ. Sự quen thuộc dần đồng nghĩa với tính hợp lý.
Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền của Đức Quốc xã Joseph Goebbels nói rằng “lặp đi lặp lại một lời nói dối thường xuyên và nó sẽ trở thành sự thật”. Cái đó gọi là hiệu ứng sự thật do lặp lại TBR (Truth-By-Repetition), nói mãi thì giả cũng thành thật, không cũng thành có. Trang web Big think. com dẫn các nghiên cứu khoa học chứng minh rằng việc lặp lại một tuyên bố làm tăng giá trị thực của tuyên bố đó. Nói cách khác, bạn càng nghe một câu nói cụ thể thường xuyên thì bạn càng có nhiều khả năng chấp nhận câu nói đó là đúng. Hiệu ứng sự thật do lặp lại là xu hướng công chúng tin vào thông tin sai lệch sau khi nghe nó nhiều lần.
Cuốn sách "The life of Adolf Hitler" (Nhà xuất bản Mercury Books, năm 1961) cho biết trước khi lên nắm quyền ở Đức, Hitler đã coi tuyên truyền là một vũ khí. Trong nhà tù Landsberg, Hitler đã viết cuốn Mein Kampf (Cuộc đấu tranh của tôi), nhấn mạnh tuyên truyền phải tập trung và lặp đi lặp lại nhiều lần. Hơn 20.000 cuốn sách của Hitler đã được bán trong năm 1925, ngay sau lần xuất bản đầu tiên.
Sau này, để khơi dậy lòng tự tôn của người Đức, Hitler đổ lỗi cho người Do Thái làm nước Đức thất bại trong Thế chiến thứ Nhất. Bộ máy tuyên truyền của Đức Quốc xã nhiều lần tuyên bố rằng người Do Thái nắm giữ quyền lực đằng sau hậu trường ở Nga, Anh, Mỹ. Họ đã bắt đầu cuộc chiến tranh tiêu diệt chống lại nước Đức. Vì thế người Đức có quyền tiêu diệt người Do Thái để tự vệ. Những lời nói dối đó được Hitler lấy làm căn cứ để kích động phân biệt chủng tộc và phát động Thế chiến thứ Hai.
Để giành thế áp đảo, độc tôn trên mặt trận tuyên truyền, Hitler chĩa mũi nhọn vào báo chí nước Đức. Khi tiếng nói của các nhà báo yếu đi trong khủng hoảng kinh tế, Hitler và những nhà tuyên truyền của Đảng Quốc xã đã tìm ra khẩu hiệu đơn giản, lặp đi lặp lại để làm mất uy tín của các phóng viên, gọi báo chí Đức là dối trá “lügenpresse” (tiếng Anh là “lying press”), ngày nay gọi là “fake news”.
Tin tức giống như nước và không khí cần cho con người. Tin tức cũng giống như nước và không khí ở đặc tính thế chỗ, chiếm chỗ. Nước và không khí lấp chỗ trống trong không gian, còn tin giả (fake news) lấp chỗ trống trong đầu óc công chúng khi không có tin thật hoặc tin thật được cung cấp chậm chạp. Tin giả nghe mãi thành tin thật là vì đặc tính chiếm chỗ này.
Thời nay, nhờ chia sẻ trên mạng xã hội, tốc độ lan truyền của tin giả nhanh hơn rất nhiều lần thời của Hitler. Tin giả bản chất là những lời nói dối. Nhưng dù bịa đặt, phi lý, lố bịch như thế nào, khi lặp đi lặp lại thường xuyên, một số người vẫn tưởng nó là thật.
Nếu các cơ quan báo chí không thường xuyên có diễn đàn mở và cơ chế tương tác để cho những người chứng kiến, hiểu biết có cơ hội thông tin sự thật, phản bác, phản biện thì lâu dần, những thông tin bịa đặt, xuyên tạc sẽ chiếm chỗ, sẽ có câu chuyện “lộng giả thành chân”.
Tin tức gồm hai yếu tố là thông tin và độ tin cậy. Mạng xã hội có ưu thế đưa thông tin nhanh, tương tác tức thời, nhưng báo chí lại thuyết phục công chúng bởi độ tin cậy.
Một nửa cái bánh mì là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật. Để thuyết phục cái nào là thật, cái nào là giả phải có so sánh, đối chiếu, kiểm chứng. Vì vậy cần phải có cơ chế cho thông tin đa chiều (gọi là truyền thông), trái với thông tin một chiều (gọi là tuyên truyền). Làm sao để hạn chế tuyên truyền một chiều (propaganda) trên báo chí và kiềm chế tin giả (fake news) trên mạng xã hội, đó là đòi hỏi chính đáng của công chúng hiện đại.
dhq