NỖI SỢ RỦI RO CHÍNH LÀ RỦI RO LỚN NHẤT
Ở Việt Nam từng có một phim tài liệu được người dân đổ xô đi mua vé: “Chuyện tử tế” của đạo diễn Trần Văn Thủy. Trong phim có đoạn kể chuyện người Nhật dạy con em họ:
Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc
“Các bạn nhỏ yêu quý, các bạn là những đứa trẻ bất hạnh. Bất hạnh bởi các bạn sinh ra ở một đất nước hoàn toàn không có tài nguyên, không hề được thiên nhiên ưu đãi, một đất nước đã từng thua cuộc trong chiến tranh. Gương mặt của đất nước này, tương lai của các bạn nằm trong tay các bạn”.
Gần đây, khi thăm những triền đồi khô cằn vùng trung du Phú Thọ được tưới nhỏ giọt bằng công nghệ Israel, Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar đã tặng tôi cuốn tự truyện của một người mà ông rất ngưỡng mộ: Cựu Tổng thống Israel Shimon Peres. Cuốn sách ấy mang tên “Không có chỗ cho những giấc mơ nhỏ” (Nhà xuất bản Trẻ- 2019).
Trong cuốn tự truyện, cựu Tổng thống Shimon Peres cho biết Israel là một trong những dải đất hiếm hoi trong vùng Trung Đông không có trữ lượng dầu mỏ, thậm chí nước ăn cũng không đủ. Với người Do Thái Israel, không có điều kiện tự nhiên thuận lợi vừa là thách thức lớn nhất, nhưng cũng là may mắn lớn nhất. Vì không có tài nguyên thiên nhiên nên họ đặt mọi hi vọng vào khả năng sáng tạo của chính mình. Những người tiên phong buộc phải lựa chọn thành công hay chết đói.
Hai tháng trước, ngày 27/9/2022, chiếc máy bay điện đầu tiên trong lịch sử do công ty Eviation Aircraft của Israel chế tạo đã hoàn thành chuyến bay, mở ra kỷ nguyên mới cho ngành hàng không thế giới.
70 năm trước, khi Shimon Peres nêu ý tưởng sản xuất máy bay “Made in Israel”, ông đã bị các nhà lãnh đạo phản đối quyết liệt: “Chúng ta chỉ có mỗi ngành sản xuất xe đạp thôi, và các anh biết đấy, nó vừa sập tiệm rồi. Điều điên rồ nào khiến các anh nghĩ chúng ta chế tạo được máy bay trong khi xe đạp còn không làm nổi?”.
Shimon Peres nghĩ phải tận dụng mọi ý tưởng, kể cả điên rồ nhất. Nỗi sợ rủi ro chính là rủi ro lớn nhất, ông không cho phép mình sợ. Đầu tiên ông thuê Schwimmer, người có tài sửa máy bay cũ hỏng, mua lại các bộ phận máy bay từ bãi chứa phế liệu ở Texas, Mỹ về để sửa chữa. Sau đó ông giúp Schwimmer thành lập Công ty hàng không Bedek (tiếng Hebrew nghĩa là kiên định). Nhờ tinh thần kiên định, năm 1959 họ chế tạo được chiếc máy bay đầu tiên.
Ngày nay, khi hầu hết các nước đều phải thuê dịch vụ vệ tinh thì Israel là một trong số ít các quốc gia có thể tự phóng vệ tinh riêng lên quỹ đạo. Họ có thể lấy nước ngọt từ không khí, sản xuất áo giáp toàn thân cứng hơn thép nhưng lại nhẹ như túi nylon, những robot siêu nhỏ di chuyển được trong cơ thể người để khám chữa bệnh.
Chỉ có khoa học mới làm được những điều mà tự nhiên từ chối. Một đất nước không tài nguyên vươn lên thành quốc gia hùng mạnh minh chứng cho lời Shimon Peres: “Kho báu nằm trong chính bản thân mình còn lớn hơn bất cứ kho báu nào trong lòng đất”.
Từ chuyện lựa chọn thành công hay chết đói ở Israel, tôi nghĩ đến chuyện chấp nhận đi tù hay để dân đói ở Việt Nam. Nhà báo Tô Lan Hương dẫn lời ông Lữ Minh Châu (nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) kể rằng năm 1979, toàn bộ lương thực của cả thành phố Hồ Chí Minh (TpHCM) chỉ còn đủ ăn trong vài ngày.
Trong khi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang ê hề lúa gạo, thì người dân TpHCM lại không có cách nào mua được lương thực dù có tiền và sẵn sàng mua với giá cao. Nguyên nhân vì giá gạo do Ủy ban Vật giá Nhà nước quy định chỉ bằng 1/5 giá chợ đen, nên nông dân các tỉnh không chịu bán.
Bí thư thành ủy Võ Văn Kiệt
Bí thư Thành ủy TpHCM lúc ấy là ông Võ Văn Kiệt (Sáu Dân) đã chỉ đạo thành lập tổ thu mua gạo cứu dân, được anh em gọi đùa là "tổ buôn lậu gạo của Thành ủy". Bà Ba Thi nói với ông Sáu Dân nếu như Trung ương biết chuyện xé rào trái với chỉ đạo của Trung ương này, thì chúng ta đều phải đi tù.
Ông Sáu Dân hứa nếu vì việc này mà anh chị em phải đi tù, thì ông sẽ mang cơm thăm nuôi. Ông nói: “Một là để dân đói, các đồng chí giữ nguyên chức vụ. Hai là để dân no, các đồng chí mất chức. Các đồng chí sẽ chọn cái nào?". Cuối cùng, tất cả đều chọn phương án thứ 2: cùng nhau đánh cược vận mệnh chính trị của mình để mấy triệu người dân TpHCM không bị đói.
Trước thời Bí thư thành ủy Tp Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt chỉ đạo chui mua gạo cứu đói, thì ở Vĩnh Phúc, Bí thư tỉnh ủy Kim Ngọc đã chỉ đạo chui mô hình khoán hộ trong nông nghiệp.
Trong những năm tháng “đêm trước đổi mới” trên đây, đạo diễn Trần Văn Thủy cũng bất chấp rủi ro có thể bị bắt bất cứ lúc nào để làm phim tài liệu “Chuyện tử tế”, góp tiếng nói thúc đẩy đổi mới. Không chỉ được vinh danh bởi những giải thưởng uy tín quốc tế, gần 40 năm nay, “Chuyện tử tế” vẫn là một trong những phim tài liệu hay nhất Việt Nam.
Những người bất chấp rủi ro, dấn thân vì cơm áo và hạnh phúc cho người dân ở Nhật Bản, ở Israel, ở khắp nơi trên thế giới và trong sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam, chính họ đã viết lên những “chuyện tử tế” cho nhân loại.
dhq