ÔNG VUA TỐT KHÔNG BẰNG CƠ CHẾ TỐT
Chuyện xưa có ông vua Tề hỏi người khách vẽ: “Vẽ cái gì khó nhất?”. Người khách nói: “Vẽ chó, ngựa khó nhất”. Vua lại hỏi: “Vẽ cái gì dễ nhất?”. Khách thưa: “Vẽ ma quỷ dễ nhất”. Vua hỏi vì sao, người khách vẽ giải thích: “Phàm là chó, ngựa, mọi người đều biết, sớm tối đều nhìn thấy trước mắt, không thể vẽ đại khái, cho nên khó vẽ. Còn ma quỷ là những vật vô hình, không nhìn thấy trước mắt cho nên dễ vẽ”.
Muốn người tài đức không thể bị che đậy, kẻ kém cỏi không thể được tô vẽ, cần đặt ra tiêu chuẩn rõ ràng, mọi người đều nhìn thấy trước mắt. Đây là mong mỏi của Hàn Phi Tử, triết gia lỗi lạc của Trung Quốc cổ đại. Ông cho rằng bậc vua sáng phải khiến cho pháp luật đo lường được công lao. Muốn để pháp luật đo lường được công lao thì phải đặt ra tiêu chuẩn.
Người thợ mộc giỏi, tuy dùng mắt cũng đục đẽo đúng, nhưng vẫn phải lấy cái quy, cái củ (compa, êke) để đo. Người thợ may khéo, tuy dùng kéo cắt không sai, nhưng vẫn cần có cái thước để đo. Ở đời không cần thợ may, thợ mộc giỏi bằng người thợ trung bình nhưng có cái thước chuẩn.
Trong xã hội, kẻ thượng trí tuy làm việc đúng ngay, nhưng trước đó phải lấy phép tắc làm chuẩn. Về cai trị cũng vậy, không cần ông vua giỏi, chỉ cần ông vua trung bình nhưng ông vua ấy phải có cái thước chuẩn là pháp luật.
Trung Quốc cổ đại có hai trường phái triết học tiêu biểu. Nho gia (với Khổng Tử đại diện) chủ trương dùng nhân trị, đức trị. Còn Pháp gia (với Hàn Phi Tử đại diện) thì chủ trương dùng pháp luật, pháp trị.
Thuyết “chính danh” của Khổng Tử củng cố sự phân chia xã hội thành những tầng lớp khác nhau. Mỗi tầng lớp làm theo cương vị, danh vị của mình, vua ra vua, tôi ra tôi. Làm đúng bổn phận theo vị trí gọi là chính danh. Kẻ dưới không thể tham gia việc của bề trên. Tiểu nhân thì dù có học, có tài, có cố gắng đến mấy cũng không thể so với người quân tử, không bao giờ vươn lên cương vị, đẳng cấp của người sang.
Ngược lại, thuyết “hình danh” của Hàn Phi Tử là xóa bỏ đẳng cấp. “Hình” là xét cái kết quả đã làm có hợp với “danh” là tên gọi của công việc hay không. Bầy tôi trình bày lời nói của mình, nhà vua căn cứ vào lời nói mà giao việc, rồi căn cứ vào công việc mà xét kết quả. Nếu kết quả phù hợp với việc làm, việc làm phù hợp với lời nói thì “hình” phù hợp với “danh”, dù là ai đều được trọng dụng, không phân biệt sang - hèn, quân tử - tiểu nhân, mọi người đều ngang nhau trước pháp luật.
“Pháp luật không hùa theo người sang, sợi dây dọi không uốn mình theo cây gỗ cong. Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu”. Đây là khuyến cáo của Hàn Phi Tử với các bậc quân vương, dẫn theo cuốn sách “Hàn Phi Tử”, Nhà xuất bản Văn học - 2001.
Từ thời cổ đại, quan điểm trên đây của Hàn Phi Tử là rất tiến bộ. Bậc vua sáng không xét người về chỗ họ thấp hèn hay cao sang, điều cần nhất là họ có thể làm sáng tỏ pháp luật, làm lợi cho nước, làm an lòng dân. Vị chúa loạn thì không thế, đã không có cái quy tắc, tiêu chuẩn để cân nhắc bầy tôi thì thế nào cũng nghe miệng gièm pha mà trọng dụng gian thần, hại người tài đức.
Biết làm theo quy tắc, tiêu chuẩn, không hành động vì cảm tính thất thường chính là ông vua tốt. Người dân chỉ mong triều đình chọn được ông vua tốt. Đó là nguyện vọng rất chính đáng nhưng cũng rất thụ động ngày xưa.
Ở các nước văn minh ngày nay, người ta có cơ chế, quy tắc, tiêu chuẩn ràng buộc để lãnh đạo không muốn tốt cũng không được. Khi người dân được chủ động bầu chọn lãnh đạo thì người tài đức không thể bị che đậy, kẻ kém cỏi không thể được tô vẽ.
Trên sân cỏ bóng đá, trọng tài chính là ông vua. Sợ nhất là sự thiên vị của trọng tài. Nhưng có khi quyết định không công bằng là do trọng tài không bao quát được diễn biến quá nhanh của trận đấu.
Thực tế cho thấy, trọng tài dù tinh tường, khách quan đến mấy cũng không bằng có trợ lý trọng tài VAR (Video Assistant Referee). Đây là cơ chế giúp cho trọng tài đưa ra được quyết định chuẩn xác bằng cách xem lại các cảnh quay diễn biến trên sân cỏ.
Cái quy, cái củ của ông thợ mộc ngày xưa và màn hình VAR giúp ông trọng tài ngày nay có thể minh chứng rằng: ông vua tốt không bằng cơ chế tốt./.
dhq
(Bài đăng chuyên san Hồ sơ sự kiện, ngày 25/6/2022)