Cư dân được vận động không cắt cỏ, hoặc ít nhất để lại một phần cỏ không cắt. Thị trưởng thành phố Dieppe, ông Yvon Lapierre cho biết ý tưởng này là để giúp cho các loài côn trùng thụ phấn hoa như ong, bướm, chim ruồi và bọ cánh cứng vì vào tháng Năm, thức ăn cho chúng còn rất khan hiếm.
Quanh năm ẩn mình trong cỏ, Xuân sang, cây bồ công anh bé xíu vừa vươn lên đã kịp nở hoa vàng. Đây là một trong số ít loài hoa nở sớm có mật để nuôi các loài côn trùng thụ phấn.
Thị trưởng Yvon Lapierre cho biết, thành phố đang cho dừng việc cắt cỏ trên đường phố và vỉa hè. Thảm cỏ ở Tòa thị chính và các cơ quan công sở sẽ không được cắt trong tháng Năm.
Chỉ cần trong 4 tuần mọi người nên tạm dừng cắt cỏ nhà mình. Đó là một cam kết nhỏ với một hy vọng lớn. Để hoa dại và cỏ phát triển trong thời gian này cũng sẽ giúp ngăn chặn các mảnh vụn và các chất ô nhiễm đi trực tiếp vào các hệ sinh thái nước ngọt.
Canada là đất nước của những người nhập cư. Xem đoạn trên của CBC News, ta chợt nhớ mấy dòng trong Kinh Torah của người Do Thái:
“Khi các ngươi gặt lúa trong đất của các ngươi, các ngươi không được gặt cho tới sát bờ ruộng; lúa gặt sót, các ngươi không được mót lại. Vườn nho của nhà mình, các ngươi không được hái lại; những quả rụng, các ngươi không được nhặt, hãy bỏ lại cho người nghèo và những người nhập cư”.
Torah nghĩa là truyền dạy. Theo cuốn “Mật mã Do Thái” của Perry Stone (Nhà xuất bản Lao động) thì Kinh Torah truyền dạy về những quy tắc ứng xử, về trách nhiệm phải tuân theo, về ơn lành cho những ai vâng phục.
Kinh Torah răn dạy mọi người “Phải ghi lòng tạc dạ, phải buộc vào tay làm dấu, mang trên trán làm phù hiệu. Anh em phải dạy những lời ấy cho con cái, nói lại cho chúng nghe, lúc ngồi trong nhà cũng như lúc đi đường, khi đi ngủ cũng như khi thức dậy”.
Kinh Torah truyền dạy đạo làm người. Kinh Thánh, Kinh Phật cũng đều dạy đạo làm người. Vì thế, các tôn giáo phương Đông, phương Tây có nhiều điểm gần nhau.
Tôi nhớ lại một sớm mùa Hè, trên đường Sisavangvong, thành phố Luang Prabang đã rất đông du khách nước ngoài. Họ đến đây đón xem các nhà sư Lào đi khất thực. Với giỏ xôi và các vật phẩm được nấu chín, người dân địa phương đã ra từ rất sớm, quỳ sẵn trên hè phố để chờ dâng tặng cho các nhà sư.
Đúng 6 giờ, một hàng dài các nhà sư khoác áo cà sa, vai trần, chân đất lần lượt đi qua phố. Người dân ai cũng đến lượt mình được dâng tặng thức ăn, ai cũng có cơ hội mở đầu ngày mới được làm việc thiện.
Các nhà sư nhận đồ cúng dường của người dân rồi lại trao tặng ngay cho những trẻ em ngồi đợi cuối đường. Vật phẩm mà người dân dâng tặng chính là thức ăn trong ngày cho nhà chùa, nhưng các nhà sư chỉ lấy vừa đủ, phần còn lại, họ sẻ chia cho những người nghèo khó.
Với tinh thần từ bi của đạo Phật, các nhà sư khất thực đã bắc một nhịp cầu nhân ái để người dân chia ngọt sẻ bùi với nhau. Có một số người mang xôi dẻo vào sân chùa, chia thành những phần nhỏ đặt ở gốc cây, cành cây hoặc trên mái miếu thờ làm thức ăn cho bọ, kiến, chim trời...
Ở đất nước mặt trời mọc, Thần đạo là tôn giáo và tín ngưỡng bản địa của người Nhật. Thần đạo thờ rất nhiều thần. Bên cạnh một số vị thần được nhân cách hóa, đa phần các thần liên quan đến thiên nhiên như linh hồn của đất, trời, cây cỏ, hoa lá...
So với các tôn giáo, điều khác biệt trong tư tưởng của Thần đạo là không cấm hay buộc con người phải làm gì, mà chỉ khuyên nên hướng tới sự trong sáng và tránh điều ác.
Các tôn giáo trên thế giới đều dạy vạn vật hữu linh, sinh vật có tình. Làm người sống lương thiện thì sẽ được thần linh cùng vạn vật bảo hộ.
Cách nửa vòng trái đất, nhiều người dân ở Canada có lẽ không biết chuyện khất thực ở Lào và Thần đạo ở Nhật. Nhưng trong những ngày tuyết phủ trắng thành phố Saint John, tôi vẫn thấy những người dân Canada mang bánh mì, hạt bắp ra công viên King Square. Hàng trăm con quạ đen, mòng biển, bồ câu sà xuống đón nhận thức ăn. Tôi hỏi vì sao làm vậy, một cụ già trả lời: trời lạnh lắm, chúng không tìm được thức ăn.
dhq