XA HOA NÊN THẤT BẠI
Nhiều người khá ngạc nhiên khi ở ngay lối vào các nhà hàng sang trọng của Hàn Quốc lại bày biện khoai ngô của thời đói kém. Tôi hiểu được phần nào ý tứ của người Hàn Quốc khi xem lại câu chuyện xưa về vua Ba Tư.
Cyrus Đại đế là vị hoàng đế khai quốc của Đế quốc Ba Tư. Ông đã gây dựng nên một đế quốc rộng lớn nhất mà trước đây, không có vương quốc nào trên thế giới bì kịp. Các chính sách mẫu mực của ông vì lợi ích của trăm họ đã được các đế quốc Hy Lạp và La Mã cổ đại noi theo.
Pasargadae là nơi vua Cyrus giành được chiến thắng quyết định trước quân Media, từ đó sáng lập Đế quốc Ba Tư. Vì thế nơi đây ông cho xây cung điện đồng thời đây cũng là thánh địa, nơi trao vương miện cho các vị tân vương của các triều đại Ba Tư.
Tân vương vào điện thờ, phải cởi bỏ áo choàng, khoác lên tấm áo cũ vua Cyrus từng mặc, ăn một chiếc bánh làm từ trái vả rồi nhai gỗ thông và cuối cùng uống một chén sữa chua.
Mỗi vị vua mới đều phải bắt đầu thời kỳ trị vì của mình theo cách này để ghi nhớ rằng dù họ có nắm trong tay những tòa cung điện bằng vàng thì điều quan trọng nhất, họ vẫn là thủ lĩnh của một bộ tộc cao nguyên, bộ tộc của những chiến binh lớn lên bằng đồ ăn thức uống đơn giản và đôi khi có phần cay đắng.
Darius Đại đế là vị hoàng đế thứ 9 của Vương triều Ba Tư. Ông được trao lại vùng đất Babylon từng nổi tiếng vì thượng tôn pháp luật. Tấm bia đá Hammurabi ghi các điều luật được cho là công lý thời cổ (nếu làm mù mắt người khác thì bị xử mù mắt - luật mắt đền mắt, làm gẫy răng người khác thì phải bẻ răng - luật răng đền răng...).
Vùng đất Babylon còn nổi tiếng là đồng bằng rộng lớn và màu mỡ. Cỏ mọc nhanh và nhiều đến mức người dân phải kìm hãm việc ăn cỏ của các đàn gia súc, nếu không chúng sẽ chết vì bội thực. Nhưng sự xa hoa của Đại đế Darius và quan lại Ba Tư thì không ai kìm hãm.
Đầu năm 334 TCN, vua Alexander xứ Macedonia phát động chinh phạt Ba Tư, giải phóng Babylon. Tiến vào cung điện, ngài kinh ngạc khi thấy trên một cây cột trong cung liệt kê những món ăn xa hoa của đoàn tùy tùng bên cạnh Đại đế Darius. Vua Hammurabi xưa cho khắc ghi luật công bằng, còn Đại đế Ba Tư thì cho ghi các món ăn xa xỉ.
Alexander ra lệnh đục bỏ những dòng chữ ấy để cắt bỏ thói sống phung phí của người Ba Tư. Ngài nói với tướng sĩ Macedonia rằng kẻ nào chìm đắm trong thói xa hoa sẽ chẳng mấy chốc thất bại nơi chiến trận.
Trước đó, khi mới 23 tuổi, Alexander đã đánh bại Đế quốc Ba Tư tại bờ sông Pinarus. Đại đế Darius bỏ quân doanh chạy trốn. Alexander kinh ngạc khi thấy ở đó toàn bộ đĩa, chậu và bồn tắm đều được làm bằng vàng, mùi nước hoa và hương liệu thơm nức không gian.
Xa hoa đã phải trả giá. Trong trận cuối cùng, Darius- vị hoàng đế thứ 9 của vương triều Ba Tư, "vua của các vị vua" đã bị tùy tùng của chính mình giết chết trong một chiếc xe ngựa tầm thường. Câu chuyện trên ghi trong cuốn “Alexander Đại đế - huyền thoại xứ Macedonia”, Nhà xuất bản Dân trí, năm 2023.
Vị hoàng đế thứ 9 của triều Nguyễn ở Việt Nam là Đồng Khánh. Khi ấy, triều đình gặp cảnh túng thiếu vì thực dân Pháp vơ vét, nhưng vua vẫn hết sức xa hoa.
Mỗi bữa ăn hàng ngày của vua có 50 món khác nhau, do 5 đầu bếp giỏi nhất nấu. Nhà vua chỉ nhấm nháp vài món ăn và chút rượu mạnh đặc biệt chế bằng hạt sen với các loại cây có mùi thơm. 30 cung nữ túc trực xung quanh, 5 nàng luôn ở bên cạnh nhà vua, luân phiên săn sóc, trang điểm, thay quần áo, vấn khăn lụa, thoa dầu thơm, chải chuốt bộ móng tay dài hơn ngón tay của ngài.
Bấy giờ nước ta có tới hai vua. Ở vùng núi Quảng Bình, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần vương chống Pháp; ở kinh đô Huế, vua Đồng Khánh ra chiếu dụ kêu gọi vua Hàm Nghi và các sĩ phu quy thuận Pháp. Nhà sử học Trần Trọng Kim có nhận xét Đồng Khánh là vị vua thích trang sức, rất được lòng người Pháp.
Tháng 11 năm 1887, chỉ huy lực lượng viễn chinh Pháp ở Bắc Kỳ là De Courcy chết, vua Đồng Khánh cấp 500 đồng bạc để đúc tượng đồng của De Courcy. Đồng Khánh chính là vị vua đầu tiên cúi đầu chấp nhận sự bảo hộ của Pháp tại Việt Nam.
Trở lại câu chuyện bày biện khoai ngô trước cửa các nhà hàng sang trọng ở Hàn Quốc. Chưa chắc họ đã bắt chước cách răn dạy con cháu của vị vua khai quốc ở Ba Tư cổ đại. Nhưng chắc chắn là người Hàn nhắc nhủ nhau rằng nhờ "thắt lưng buộc bụng", họ đã tiến hành công nghiệp hóa thành công, đưa xứ sở Kim Chi từ nghèo nhất thế giới năm 1945 thành 1 trong 10 nước thịnh vượng nhất thế giới ngày nay.
dhq