YÊU CHO ROI CHO VỌT
“Bạn có biết phương pháp nào biến con thành bất hạnh? Phương pháp này chính là chiều theo ý con”. Đây là lời của Jean Jacques Rousseau- nhà triết học, nhà văn có ảnh hưởng to lớn đến sự tiến bộ của thời kỳ Khai sáng.
ảnh minh họa
Sách Cổ học tinh hoa chép rằng Khấu Chuẩn thuở nhỏ, tính hay du đãng, không giữ lễ phép lại thích chơi chim, chơi chó. Bà mẹ ông vốn là người nghiêm khắc, thấy con thế quở phạt luôn, mà ông vẫn không chừa. Một hôm, ông bỏ học đi chơi, bà mẹ giận lắm, cầm cái quả cân ném ông, trúng phải chân, máu chảy đầm đìa, lâu sau mới khỏi.
Từ bấy giờ, ông không dám lêu lổng, phóng túng, chỉ chuyên cần học tập. Về sau, thi đỗ, làm quan đến tể tướng. Lúc ông quý hiển, thì mẹ ông đã tạ thế rồi. Mỗi khi sờ đến vết thương ở chân, thì ông lại nức nở khóc và nói rằng: “Chính cái vết thương này làm cho ta nên người đây”.
“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, chúng ta phấn đấu cho trẻ có môi trường tuyệt vời đó. Nhưng cũng không nên tuyệt đối hóa về cái gọi là "giáo dục vui vẻ". Sau các lớp mầm non, tiểu học thì đến giai đoạn học hành là phải rèn luyện. Có câu “khổ luyện thành tài, miệt mài thành giỏi”.
Vậy học là khổ. Khổ cũng phải học vì phải đạt mục đích. Học không chỉ là giai đoạn trẻ nạp kiến thức sách vở, mà còn là rèn các kỹ năng thích nghi, kiên trì, vượt khó, đối đầu thử thách để thành công. Đó là những thứ không hề vui vẻ nhưng cần được trang bị để vào đời.
Thế giới tự nhiên đã quyết định rằng loài nào không thể tự vệ được sẽ không được bảo vệ. Trong thế giới loài người, bạn càng mạnh mẽ, cuộc sống sẽ càng đối xử hòa nhã với bạn. Ngược lại, bạn càng yếu đuối, cuộc sống càng bất công. Sự thật này, nhất định phải để lũ trẻ biết. Đường đời không trải toàn hoa hồng. Điều này cũng nhất định phải dạy cho trẻ biết sớm.
Đức Phật nói đời là bể khổ; tỷ phú Bill Gates nói đời không công bằng. Vì vậy, học sinh phải sớm rèn luyện cho cho mình tinh thần chịu đựng bất bình, chịu những ấm ức trong cuộc sống, chỉ có thế trẻ mới được tôi luyện và vững vàng hơn. Những học sinh chưa từng vấp ngã trong trường học, ra trường đời ngã một phát là quỵ luôn, vì chúng chưa được học từ thất bại.
Giáo dục có cần kỷ luật, kỷ cương không hay chỉ toàn vui vẻ, khen ngợi? Giáo sư Tiền Văn Trung, giảng viên trường Đại học trọng điểm Phúc Đán, Trung Quốc cho rằng dùng danh nghĩa yêu thương mà nhân nhượng trẻ là cách giáo dục sai lầm. Giáo dục trẻ chỉ bằng khuyên nhủ mà không có hình phạt hay kỷ luật chính là hủy hoại con trẻ.
Theo Giáo sư, giáo dục không thể càng ngày càng nhân nhượng, chúng ta phải thực sự có trách nhiệm với con em mình. Các bậc cha mẹ hãy thực sự nghiêm khắc với con cái. Trẻ em dù sao cũng chưa phải là người lớn nên nhất định phải được quản lý, nhất định phải cần tới kỷ luật để cho con biết được rằng giáo dục không đơn thuần chỉ có sự vui vẻ.
Các bậc cha mẹ ngày nay luôn đáp ứng mọi nhu cầu của con mình, điều này thực chất đang làm hại con trẻ. Bởi vì, càng được sống trong điều kiện vật chất dồi dào, muốn gì được ấy khiến trẻ càng ích kỷ, càng không biết nghĩ đến người khác, càng không biết đền ơn đáp nghĩa.
Với những học sinh nói không nghe, mắng không được, không coi trọng thày cô giáo thì nhà trường, gia đình và xã hội cần có thái độ và biện pháp kiên quyết. Nên nhớ từ thế kỷ XVIII, nhà bác học Lê Quý Đôn đã đúc kết một trong những nguy cơ dẫn đến mất nước là trò không kính thày (5 nguy cơ đó là: trẻ khinh thường già, trò không kính thày, tham nhũng lan tràn, binh kiêu tướng thoái, sĩ phu ngoảnh mặt).
Lý Quang Diệu là người khai quốc tạo nên sự phồn vinh cho Singapore. Ông có nhiều năm du học tại nước Anh. Trong cuốn Hồi ký Lý Quang Diệu (Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh-2000), ông không tán thành cái gọi là giáo dục vui vẻ với học sinh ngày nay. “Tại sao các nhà giáo dục phương Tây lại tích cực chống việc trừng phạt thân thể đến thế? Chuyện đó không gây tổn thương gì cho tôi cũng như các bạn học sinh khác”.
Giống như lời ông Lý Quang Diệu, người Việt ta vẫn nói “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Câu này người Anh nói là “Spare the rod and spoil the child”.
dhq