"YÊU TIẾNG VIỆT VÌ CON LÀ NGƯỜI VIỆT"
Cần có một ngày tôn vinh tiếng Việt để khuyến khích, cổ vũ đồng bào ta ở nước ngoài, nhất là thế hệ trẻ, học tập và giữ gìn tiếng Việt. Đây là lời Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa nói trong chuyến công tác tại châu Âu.
Chủ tịch QH Vương Đình Huệ gặp gỡ đại diện cộng đồng người Việt tại Áo.
“Yêu tiếng Việt vì con là người Việt”
Tại buổi lễ kỷ niệm 30 năm thành lập “Đông Tây hội ngộ” (East meets West), một tổ chức thiện nguyện do chính mình sáng lập, bà Lệ Lý (quốc tịch Hoa Kỳ) đang nói tiếng Anh với các đại biểu trong nước và quốc tế thì dừng lại, xin phép “Tôi xin nói tiếng Việt được không ạ ?”
Được cả hội trường đồng tình, bà cảm ơn và nói: “Tôi là người Việt Nam, tỉnh Quảng Nam. Người Quảng Nam phải nói tiếng Quảng Nam chứ !” Rồi bà cao hứng hát một câu xứ Quảng: “Khi con lớn khôn cha dạy con yêu. Yêu tiếng Việt vì con là người Việt. Ôi tiếng Việt thân thương, tiếng của đời con …”
Từ xa xưa, ông cha ta đã chú trọng giữ gìn văn hóa, tiếng nói của riêng mình. Cuốn Việt Nam lược sử ghi chép: “Đời Tây Sơn, việc cai trị thường hay dùng chữ nôm. Vua Quang Trung muốn rằng người Việt thì phải dùng tiếng Việt, để gây thành cái tinh thần của nước nhà, không phải đi mượn tiếng, mượn chữ của nước Tàu. Vậy nên, khi thi cử thường bắt quan ra bài chữ nôm và bắt sĩ tử làm bài chữ nôm”.
Sau này, học giả Phạm Quỳnh, người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt (thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp) để viết báo, viết lý luận, nghiên cứu, cũng đã khẳng định: “Tiếng ta còn, nước ta còn”.
Là một nhà văn hóa lớn, cụ Phạm Quỳnh rất lo ngôn ngữ bị đồng hóa. Bởi đồng hóa ngôn ngữ là công cụ đồng hóa thông dụng nhất, mạnh mẽ nhất và hữu hiệu nhất. Một dân tộc bị mất tiếng mẹ đẻ của mình và phải nói tiếng của một dân tộc khác thì làm sao giữ được bản sắc dân tộc mình ?
Lịch sử cho thấy, sau khi chiếm được Trung Hoa, vua quan Mãn Thanh lập tức ban hành những chính sách đồng hóa mạnh như bắt đàn ông người Hán phải cạo đầu phía trước, để tóc đuôi sam phía sau; bắt người Hán bỏ chữ Hán, chỉ được dùng chữ Mãn.
Nhưng người Hán vốn có nền văn hóa vượt trội, nên người Mãn lại thích nói tiếng Hán, thích học chữ Hán. Là người thống trị, nhưng sau khoảng trăm năm, người Mãn dần bị người Hán “đồng hóa ngược”. Cuối cùng, không chỉ chữ Mãn, tiếng Mãn biến mất, mà nước Mãn Thanh cũng mất vì bị nhập tự nhiên vào Trung Quốc.
Nằm sát nách nước Trung Quốc khổng lồ, vua Sejong của nước Hàn Quốc nhỏ bé đã phòng bị chuyện bị đồng hóa. Nhà vua đã sáng tạo ra bộ chữ riêng để dạy người Hàn học tập. Đó là chữ tượng thanh (chữ biểu âm) khác hẳn với chữ tượng hình của Trung Quốc (chữ biểu ý).
Tháng 7/2018, tại Lớp bồi dưỡng cán bộ ngoại giao 19 nước đối tác do Cơ quan Hợp tác Quốc tế KOICA Hàn Quốc tổ chức ở Seoul, bạn bè các nước đã hỏi tôi, vì sao sau nghìn năm Bắc thuộc, Việt Nam lại không bị đồng hóa. Tôi đã trả lời, người Việt có văn hóa riêng, có tiếng nói riêng, vì thế mà giữ được độc lập.
Trong khuôn khổ “Trại Hè Việt Nam” hàng năm, tôi đều được đón tiếp thanh niên, sinh viên Việt kiều từ các nước trên thế giới về dâng hương tại đền Hùng. Nhiều em nói khá tốt tiếng Việt. Có em còn đọc rành rọt dòng chữ khắc trên đá “Con người có tổ có tông, như cây có cội, như sông có nguồn”.
Truyền dạy tiếng Việt cho người Việt trẻ, tôi nghĩ, đó là một cách để giữ bản sắc Việt, để người Việt năm châu luôn hướng về nguồn cội.
dhq