Đất xấu nuôi giấu cơ đồ
Cốc nước đầy thì sẽ bị đổ. Muốn không bị đổ thì tự đổ bớt đi. Nhún nhường là cách giữ mình của người xưa. Khi Tôn Thúc Ngao là lệnh doãn(thừa tướng) nước Sở, có người nói với ông rằng tước cao thì bị người ta ghen, chức lớn thì bị người ta ghét, lộc hậu thì bị người ta oán. Tôn Thúc Ngao bảo tước càng cao thì càng tự hạ mình xuống, chức càng lớn thì càng thể hiện nhỏ bớt đi, lộc càng hậu thì phải phân phát càng nhiều, như vậy tránh được 3 cái ghen, ghét, oán.
Vì hội đủ trí, dũng và liêm chính, Tôn Thúc Ngao quy tụ được lòng người, giúp Sở Trang vương xưng bá thời Xuân Thu Chiến Quốc. Khi Tôn Thúc Ngao bệnh nặng, lúc gần chết kêu con đến dặn: “nhà vua muốn phong đất cho ta. Ta đã chối từ. Sau khi ta chết, thế nào nhà vua cũng phong cho ngươi. Ta không bằng lòng ngươi nhận những đất tốt. Nếu phải nhận thì giữa nước Sở và nước Việt có ngọn núi không tốt mà tên nó cũng không đẹp, hãy nài xin miếng đất ấy thì khỏi sợ ai nhòm ngó”. Tôn Thúc Ngao chết, Vua Sở phong đất cho người con. Theo lời cha dặn, người con xin phong cho mình miếng đất xấu đó. Con cháu đời đời giữ nó không mất. Câu chuyện này ghi trong cuốn “Thuật xử thế của người xưa” (Nhà xuất bản Trẻ, năm 2021).
Ở vùng đất xấu dễ bề giữ mình, yên thân lập nghiệp. Thời Hán Sở tranh hùng, dù thực lực kém xa của Hạng Vũ nhưng cánh quân của Lưu Bang lại chiếm được kinh đô nước Tần trước. Lo bị ganh ghét, Lưu Bang bèn lui quân ra ngoài, nhường kinh thành cho Hạng Vũ. Sợ bị giết, Lưu Bang nghĩ kế thoát thân. Khi Hạng Vũ phong đất cho chư hầu, ai cũng mong được ở Trung Nguyên trù phú văn minh. Lưu Bang bèn xin cho mình vào vùng Tây Xuyên xa xôi hẻo lánh. Sau khi Lưu Bang vào Tây Xuyên, mưu sĩ của ông còn đốt sạn đạo là con đường duy nhất thông ra bên ngoài, để đánh lừa Hạng Vũ rằng từ nay Lưu Bang không bao giờ còn nhòm ngó về Đông, không bao giờ quay lại tranh đoạt Trung Nguyên nữa. Ở Tây Xuyên xa xôi không bị ai để ý, Lưu Bang đã âm thầm vỗ về dân chúng, khai khẩn đất hoang, bí mật nuôi quân. Khi có thời cơ, ông bất ngờ Đông chinh, tiêu diệt Hạng Vũ, thống nhất Trung Nguyên, lập ra cơ nghiệp 400 năm của nhà Hán ở Trung Quốc.
Ở Việt Nam cũng có câu chuyện nổi tiếng vào vùng đất khó để trước là yên thân, sau mưu nghiệp lớn. Nguyễn Kim là đại tướng quân giúp Vua Lê chống lại nhà Mạc soán ngôi. Năm 1545, sau cái chết của Nguyễn Kim, con rể của ông là Trịnh Kiểm đã giết con trai cả của ông là Nguyễn Uông để độc chiếm binh quyền. Rất lo sợ sẽ chịu số phận như anh cả Nguyễn Uông, con trai thứ của Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng đã nhờ chị gái là Nguyễn Thị Ngọc Bảo xin anh rể Trịnh Kiểm cho mình vào trấn thủ Thuận Hóa.
Lúc bấy giờ Thuận Hóa là vùng đất hoang dã, xa xôi hiểm trở. Trịnh Kiểm yên tâm cho rằng Nguyễn Hoàng vào đó chẳng khác nào bị đi đầy, nên chấp thuận cho ông vào Nam. Nhờ những chính sách hiệu quả để khai khẩn phát triển vùng đất mới, Nguyễn Hoàng đã mở rộng lãnh thổ hơn nữa về phía Nam, tự lập làm chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Về sau, con cháu của Nguyễn Hoàng tiếp tục chính sách mở đất này, củng cố thực lực để tiến hành cuộc chiến tranh bất phân thắng bại trong nhiều năm với con cháu của Trịnh Kiểm ở Đàng Ngoài, lịch sử gọi là giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh. Đến đời cháu thứ 10 của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Ánh thì hoàn thành việc thống nhất đất nước từ Nam đến Bắc, lập ra vương triều nhà Nguyễn.
Những vùng đất hoang dại, xa xôi luôn đầy rẫy khó khăn. Vì khó khăn mà ít người dòm ngó. Vì ít bị dòm ngó nên chúng trở thành những nơi ý tưởng mới ít bị cản trở. Đất mới, đất hoang, đất khó trở thành nơi thí điểm những ý tưởng mới nhất, liều lĩnh nhất, thậm chí là điên rồ nhất. Bắc Mỹ là vùng đất thuộc địa xa xôi. Chính phủ Hoàng gia Anh chẳng đủ sức kiểm soát, phó mặc nó cho những giấc mơ khoáng đạt và bỏ mặc nó cho những trải nghiệm tự do. Đó là nguyên nhân vì sao tự do sáng tạo ít bị ngăn trở, khiến vùng đất ấy mang tên vùng đất tự do (the land of freedom). Đó cũng chính là lý do vì sao Bắc Mỹ hưng thịnh cho đến ngày nay.
Đất xấu nuôi giấu cơ đồ. Đất cằn nuôi dưỡng anh hùng. Đất hoang nuôi trồng sáng tạo. Đó có thể là bài học từ những câu chuyện trên. Đương nhiên xét đến cùng thì xấu hay tốt không phải do vùng đất, mà do con người quyết định. Cuộc đời vốn không bao giờ luôn “thuận buồm xuôi gió”. Khó khăn, thách thức, nguy cơ là không thể tránh khỏi. Nhưng trong nguy luôn có cơ, và nguy cơ chính là một thứ động lực để thúc đẩy phát triển./.
Huyền Dư