Học ở nơi cách nửa vòng trái đất
Saint John, thành phố xinh đẹp bên bờ Đại Tây Dương đón chúng tôi trong cái lạnh mười mấy độ dưới không. Nhưng sự khác biệt không chỉ là tuyết trắng, những điều tôi vẫn nghe trong cổ tích ngày xưa.
Ngày đầu tiên đến Trường đại học UNB (University of New Brunswick), chúng tôi được hướng dẫn đi làm thẻ ngân hàng, thẻ thư viện, nơi mua sắm đồ thiết yếu và mua vé xe buýt. Bài học đầu tiên các thày cô chia sẻ là: loài người có rất nhiều phương pháp dạy học tốt, nhưng tốt nhất là dạy cho sinh viên cách tự học.
Thứ Hai đầu tuần, giảng viên nêu câu hỏi thảo luận: bạn biết gì về nông nghiệp Canada? Tôi nghe Canada là một nước G7 có nền công nghiệp tiên tiến hàng đầu thế giới, nhưng về nông nghiệp thì thú thực, còn biết rất lơ mơ.
Lớp tôi có 12 học viên, đến từ nhiều quốc gia, mỗi người nói một ý. Cũng như với bất cứ chủ đề nào trong tuần, giảng viên luôn hoan nghênh sự khác biệt giữa các ý kiến và khuyến khích mọi người tiếp tục tự tìm hiểu cho riêng mình. Thông tin tham khảo có trên thư viện, có tại bảo tàng và các tài liệu giảng viên gửi qua email. Nhật báo tiếng Anh Telegraph-Journal hàng ngày được cấp miễn phí tận tay học viên cũng là một kênh thông tin quan trọng. Học viên phải chuẩn bị camera, máy ghi âm, sổ ghi chép tốc ký để tự thu thập thông tin khi đi thực tế.
1. Ăn mật trên tuyết cùng thổ dân.
Sáng thứ Ba, chúng tôi tới tìm hiểu thực tế ở trại rừng số 65 đường Ganong Road, Erbs Cove, tỉnh bang New Brunswick. Mùa thu năm trước, cả rừng phong đã chuyển màu vàng, rồi đỏ rực. “Rừng phong, thu đã nhuộm màu quan san”. Tôi không biết "màu quan san" trong Truyện Kiều có phải như thế chăng? Nhưng điều này thì tôi biết chắc chắn: khi những chiếc lá cuối cùng rời cành cũng là lúc cây phong (maple) tích nhựa (sap). Mùa đông Canada kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tận tháng 4 năm sau. Cả rừng phong xơ xác. Nhưng âm thầm bên trong vỏ cây xù xì là dòng sáp ngọt đang đợi chờ dâng hiến. Sáp sẽ được khai thác trong vòng 6 tuần trước khi xuân sang.
Ông Gig Denise, thổ dân da đỏ làm nghề này cho biết, mỗi cây phong bình quân cho từ 35 đến 50 lít sáp. Làm nước xi-rô từ nhựa phong (maple syrup) là một công việc vất vả. Người Việt chúng ta có thuận lợi khi nấu mía làm đường vì trữ lượng đường trong mía rất lớn. Người Canada gọi cây mía Việt Nam là cây đường (sugar cane). Còn nấu sáp thành đường như cách của thổ dân Canada thì không dễ. 50 lít sáp mới nấu được từ 1 đến 1,5 lít xi-rô. Dẫu vậy, Canada vẫn dẫn đầu thế giới về sản xuất đường từ cây phong. Sản lượng nước xi-rô cũng chiếm 85% toàn thế giới. Với công nghiệp chế biến tiên tiến, tỉnh bang New Brunswick dẫn đầu về sản lượng toàn liên bang Canada. Tuy nhiên, cách khai thác và chế biến truyền thống của thổ dân da đỏ có nét hấp dẫn riêng, thu hút du khách thế giới khám phá.
Học viên chúng tôi đã chui vào lều tránh rét teepee của người da đỏ giữa rừng phong, xem họ giới thiệu quy trình nấu sáp thành xi-rô, chế thành đường cát và thưởng thức món độc đáo “ăn trên tuyết” (eating- on- snow). Đây là cách thổ dân rót xi-rô xuống tuyết, đợi 1 phút, dịch đông lại thành mật dẻo, lấy một cành cây nhỏ cuộn mật ăn ngay trên tuyết trắng. Tôi cũng chui vào bếp xem cách thức những người phụ nữ chế biến bánh pancake. Khách tham quan rất thích chấm pancake với xi-rô. Nước xi-rô ngọt ngào thế nào thì người dân ở đây hiếu khách như thế. Nếu lá phong là biểu tượng trên quốc kỳ Canada, thì nước xi-rô sóng sánh màu vàng mật được coi là hương vị Canada (maple syrup- taste of Canada).
Rời rừng phong, tối về lại thành phố Saint John, những hình ảnh, thông tin thu thập phải được chọn lọc ngay khi cảm xúc trong tôi còn đang tươi rói. Người làm báo chúng tôi đều biết: quá nhiều thông tin sẽ giết chết thông tin. Một ngày đầy ắp chi tiết nhưng tôi chỉ chọn những gì đặc trưng nhất, ấn tượng nhất cho bài bảo vệ ý kiến của mình vào cuối tuần. Rồi lại vùi đầu vào đọc tài liệu cho chuyến đi hôm sau.
2. Tiến sỹ làm thuê.
Sáng thứ Tư, chúng tôi được giảng viên hướng dẫn đi tham quan học tập ở thủy trại nuôi cá hồi ven biển Đại Tây Dương. Trại nuôi trồng thủy sản Cooke Aquaculture được gia đình nhà Cooke thành lập năm 1985, khởi đầu chỉ với một lồng nuôi 5000 con cá hồi.
Chuck Brown là người hướng dẫn tour tham quan thủy trại cá hồi. Anh vốn là một nhà báo, hiện làm giám đốc truyền thông cho Cooke Aquaculture. Công ty Cooke Aquaculture có khoảng 2000 nhân viên, hoạt động tại Canada và một số nước châu Mỹ. Chuck Brown cho biết, xác định hội nhập là vấn đề cốt tử, công ty đã đầu tư hệ thống thiết bị nuôi cá, ấp trứng, chế biến, phân phối sản phẩm hiện đại, đặc biệt tuân thủ những quy định ngặt nghèo về vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, chống dư lượng kháng sinh... Trước đây khi chưa biết quy trình này của họ, tôi cứ nghĩ những nước giàu hay vẽ vời ra quy trình, tiêu chuẩn này nọ làm hàng rào thương mại để cản trở các nước nghèo xuất khẩu thủy sản (!?). Nay mới thấy mình thật hồ đồ.
Tiến sỹ Michael Beattie, giám đốc chuyên trách về sức khỏe, môi trường cho cá hồi của tỉnh bang New Brunswick, là nhà tư vấn cho Công ty Cooke Aquaculture. Ông cho biết quy trình nuôi thả cá hồi ở thủy trại này mô phỏng chu trình sinh nở của cá hồi trong tự nhiên. Mùa thu, cá hồi từ biển bơi vào sông đẻ trứng. 2 năm sau kể từ khi trứng nở, cá con trải qua một quy trình biến đổi sinh học đặc biệt để có thể bơi từ sông nước ngọt ra đại dương nước mặn để sinh sống. Bằng công nghệ hiện đại, người Canada đã rút ngắn quy trình sinh trưởng của cá hồi từ khi ấp trứng đến khi khai thác được cá thương phẩm.
Cooke Aquaculture là công ty đầu tiên tại Canada áp dụng hệ thống cho cá ăn tự động hiện đại. Thiết bị gắn camera dưới nước cho phép theo dõi, điều khiển tự động chế độ ăn cho cá theo biến đổi của thời tiết, khí hậu, mực nước. Từ một lồng cá ban đầu, đến nay, Cooke Aquaculture đã mở rộng địa bàn kinh doanh tại các tỉnh bang Đại Tây Dương của Canada, vượt biên giới sang bang Maine của Mỹ và vươn xuống tận Chi Lê (Nam Mỹ). Mỗi năm, Cooke Aquaculture chế biến và bán ra thị trường 150 triệu pao cá hồi. Phần lớn sản lượng tiêu thụ tại Mỹ.
Nước Mỹ có tỷ lệ cư dân béo phì lớn nhất thế giới. Đây là thị trường còn đầy tiềm năng đối với nền công nghiệp chế biến cá hồi. Dầu cá hồi là thành phần chính trong thuốc bổ dưỡng Omega 3 rất tốt cho phát triển não trẻ em và chống bệnh tim mạch, đột quỵ của người già. Vùng Đại Tây Dương của Canada với 40.000 km bờ biển có thế mạnh vượt trội về nuôi trồng, khai thác, chế biến, xuất khẩu thủy sản hàng đầu thế giới.
Thủy trại Cooke Aquaculture tạo ấn tượng với tôi không chỉ bởi có camera theo dõi cá ăn dưới nước hay công nghệ rút ngắn quy trình sinh trưởng cho cá hồi. Vị tiến sỹ làm thuê cho thủy trại nhắc tôi hiểu rằng người Canada không phân chia giai cấp rạch ròi công nhân, nông dân, trí thức, tư sản. Trong xã hội chỉ có 2 nhóm người, một là làm chủ, hai là làm thuê. Người làm thuê khi có đủ trí và lực thì chuyển sang làm chủ. Làm chủ chỗ này nhưng lại làm thuê chỗ khác là chuyện bình thường, miễn sao sức lao động của mình tạo ra giá trị.
3. Nông dân làm du lịch.
Rời vùng duyên hải, sáng thứ Năm, chúng tôi về thăm một làng quê Canada, cách thành phố Saint John chừng 30 km. Chui qua cây cầu gỗ có mái che 300 tuổi, con đường nhựa thênh thang dẫn chúng tôi đến làng Bloomfield, vùng nông thôn êm đềm của một nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới. Nhà ông David Cassidy, số 374 đường 121, Bloomfield là ngôi nhà điển hình của nông dân Canada.
Chỉ vào cái ách bò (dụng cụ bằng gỗ cong đặt trên vai bò để buộc dây kéo cày, kéo xe) được truyền lại từ thủa các cụ từ nước Anh vượt biển sang đây khai hoang mở đất, vợ ông David kể rằng, tổ tiên nhà David Cassidy đến Canada định cư đã được 5 đời. Gia đình David sở hữu 500 ha đất, chủ yếu là đồng cỏ để nuôi bò sữa. Quy mô như vậy là bình thường đối với nông dân Canada.
Lần đầu tiên nhìn những bánh xe to như những tòa nhà nằm rải rác trên đồng cỏ, tôi cứ ngỡ đó là các phi chứa xăng dầu. Sau được vợ ông David giải thích mới biết đó là nơi trữ cỏ cho bò. Cỏ được cuốn vào thành những bánh xe khổng lồ. Vì vậy, kể cả khi có bão tuyết, bò vẫn có cỏ ăn, mỗi ngày một con bò vẫn cho vắt sữa 2 lần, khoảng 25 lít sữa. Mỗi ngày đều đặn 2 chuyến xe chuyên dụng từ thành phố ghé về tận nhà David để mua sữa.
Giống như nhiều gia đình nông thôn khác, nhà David mở ra loại hình du lịch nông trang. Tất cả quy trình thu hoạch sữa bò đều thông qua hệ thống máy móc tự động nhưng vắt sữa bằng tay (milk a cow by hand) vẫn là một chiêu hấp dẫn khách tham quan. Con dâu và con trai nhà David không làm ở nông trang, mà làm ở thành phố. Cuối tuần đưa cháu về thăm ông bà. Nông dân chỉ còn chiếm tỷ lệ nhỏ ở Canada. Người Mỹ và Canada thích về vùng nông thôn vào cuối tuần và mùa hè. Chúng tôi được trải nghiệm cảm nhận của du khách khi tận hưởng khoáng đạt của đồng cỏ mênh mông, sống trong không khí cởi mở, thân thiện của làng quê và dịch vụ ăn nghỉ Bed & Breakfast rất tiện lợi. Phương châm phục vụ du khách của ông bà nông dân David được ghi ngay trên tường nhà "Enter as strangers- Leave as friends" (tạm dịch: "Khi đến còn là người lạ- Dời đi đã hóa bạn thân").
4. Hội nhập từ học hỏi.
Sáng thứ Sáu, sử dụng thiết bị trình chiếu minh họa, mỗi học viên chúng tôi được dành 15 phút để trình bày trước lớp về tất cả những gì mình thu nhận, cảm nhận, hiểu biết trong 3 ngày đi thực tế trên. Sau đó là 10 phút trả lời câu hỏi để làm rõ thêm hoặc câu hỏi phản biện của các học viên khác. Trong giờ thảo luận như thế, học viên nào cũng phải thể hiện ý kiến riêng của mình.
Đến từ các nền kinh tế khác nhau, phông văn hóa khác nhau nên cách tiếp cận vấn đề, xử lý thông tin của người Ả rập không giống người Hàn Quốc, của người Nhật Bản khác với người Việt Nam. Hội nhập từ học hỏi. Hội nhập trên giảng đường mở ra hội nhập trên thế giới. Sự tương tác về thông tin, đa chiều về góc nhìn, đa dạng về quan điểm đã làm nên tính hấp dẫn trong mỗi buổi trên lớp.
Giảng viên giữ vai trò tổ chức và hướng dẫn quá trình trao đổi, tranh luận để mỗi học viên tự rút ra hiểu biết của riêng mình thế nào là nông nghiệp Canada. Giảng viên không áp đặt kiến thức của ông thày mà qua quá trình trao đổi cùng học viên để gợi mở cho mỗi người một con đường để tiếp cận chân lý. Khi làm bài thi, học viên không phải trả lời theo thày hay theo sách. Các ý tưởng riêng, sáng tạo và độc đáo rất được khuyến khích, đánh giá cao. Tuần này học về nông nghiệp Canada, tuần sau tìm hiểu về tôn giáo, tuần sau nữa về luật pháp, rồi những câu chuyện cụ thể hơn như quyền hạn của cảnh sát đến đâu, người dân có được phép uống rượu bia khi tổ chức liên hoan barbecue trong công viên không, bắt chim thú hoang dã sẽ đối diện tình huống pháp lý nào...
Chủ đề thảo luận hàng tuần của lớp tôi vừa đa dạng, vừa gần gũi với đời sống thực. Những vấn đề thời sự phát sinh hàng ngày như chính phủ Pháp quy định người Hồi giáo ra đường không được dùng mạng che mặt, nước Mỹ cho phép đặt máy soi toàn thân (full body scanner) tại sân bay, vấn đề trên có vi phạm nhân quyền hay không. Đó đều là những đề tài hay để học viên tự tìm hiểu như cách thức đã làm với đề tài nông nghiệp Canada. Học viên không sợ phải học mà ngược lại có hứng thú và nhu cầu tự học, có kỹ năng thu thập, chọn lọc, xử lý, truyền đạt thông tin, luôn sẵn sàng phương án cho những tình huống phát sinh, đó có lẽ là bài học sâu sắc nhất tôi thu lượm được ở nơi cách chúng ta cả nửa vòng trái đất.
Trong những ngày này, hai tiếng “hội nhập” được nhiều người nhắc đến với những cơ hội và thách thức to lớn. Tôi thì nghĩ đơn giản hơn, hội nhập là cùng ra sân chơi chung, phải hiểu luật chơi chung. Muốn vậy trước hết phải học hỏi. Kể câu chuyện trên đây với bạn đọc, tôi càng vững tin rằng, cổ kim đông tây, thời nào cũng thế, nước nào cũng thế, học ở trường lớp và học ở trường đời, yếu tố quyết định vẫn là nghị lực và đam mê. Niềm đam mê có khi còn quan trọng hơn cả kiến thức. Người thày giỏi là người biết truyền cảm hứng để học trò tự học. Thật may mắn, trong nhịp đời tất bật ngược xuôi, tôi đã có những năm tháng làm học trò đáng nhớ như thế./.
dhq