Công tác chuẩn bị danh sách cử tri tại điểm bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tỉnh Cao Bằng ở thị trấn Trà Lĩnh, huyện Trùng Khánh. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN
|
Theo phạm vi thẩm quyền và thực hiện Kế hoạch số 42/KH-HĐBCQG ngày 19/1/2021 của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đã chủ động triển khai thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; kịp thời hướng dẫn, trả lời các địa phương về một số vấn đề phát sinh trong tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo phân công của Hội đồng Bầu cử Quốc gia.
Bộ Tài chính đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ quyết định cấp kinh phí bầu cử cho các cơ quan Trung ương và các địa phương. Bộ Y tế đã xây dựng Kế hoạch chi tiết về công tác y tế phục vụ bầu cử. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng Kế hoạch chi tiết các phương án bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, chỉ đạo các địa phương xây dựng phương án bảo đảm phục vụ tốt cho cuộc bầu cử.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội nghị hướng dẫn nghiệp vụ về công tác tuyên truyền cuộc bầu cử, chỉ đạo các cơ quan báo chí thông tin, tuyên truyền về cuộc bầu cử.
Các bộ, cơ quan ngang bộ theo phạm vi, thẩm quyền được giao đã ban hành các văn bản hoặc báo cáo Hội đồng Bầu cử Quốc gia ban hành các văn bản để hướng dẫn, giải đáp cho các địa phương nhằm kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác bầu cử.
Đồng thời, theo phân công của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, các bộ, cơ quan ngang bộ đã tham gia 9 đoàn giám sát, kiểm tra công tác bầu cử (đợt 2) tại 23 tỉnh, thành phố.
Qua việc giám sát, kiểm tra cho thấy cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tích cực, chủ động, tập trung triển khai các công việc chuẩn bị cho bầu cử bảo đảm tiến độ và đúng quy định.
Về công tác triển khai thực hiện công tác bầu cử tại các địa phương, thực hiện các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Bầu cử Quốc gia, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức bầu cử trên địa bàn. Tại các địa phương, Ủy ban Nhân dân các cấp đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Bầu cử cùng cấp để triển khai thực hiện công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội và công tác phòng, chống dịch COVID-19, cũng như các điều kiện về kinh phí, cơ sở vật chất phục vụ cuộc bầu cử.
Các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương được thành lập theo đúng quy định của pháp luật về bầu cử.
Cụ thể, theo báo cáo số 1924/BC-BNV của Bộ Nội vụ: có 63 Ủy ban bầu cử cấp tỉnh; 682 Ủy ban bầu cử cấp huyện và 10.134 Ủy ban bầu cử cấp xã; 184 ban bầu cử đại biểu Quốc hội; 1.059 ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; 6.188 ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; 69.619 ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã.
Cùng với đó, để chuẩn bị cho cuộc bầu cử, tại mỗi khu vực bỏ phiếu, các địa phương đã thành lập 84.767 tổ bầu cử.
Ủy ban Nhân dân cấp xã đã tổ chức lập danh sách cử tri theo từng khu vực bỏ phiếu và niêm yết danh sách cử tri bảo đảm đúng thời hạn, trong đó, chú ý rà soát những cử tri có đăng ký thường trú, tạm trú, cử tri đi lao động xa, những trường hợp không được tham gia bỏ phiếu…, nhằm bảo đảm quyền bầu cử của công dân.
Theo số liệu tổng hợp của các địa phương, cả nước có tổng số cử tri là 69.198.594 người thực hiện quyền bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 vào ngày 23/5/2021./.
(Theo TTXVN/Vietnam+)