MẠNH MẼ MỚI CÓ HÒA BÌNH
Dân gian có câu hàng xóm tốt không bằng bờ rào kín. Hớ hênh là đồng lõa với trộm cắp. Về phương diện quốc gia, chiến tranh do kẻ mạnh phát động, nhưng xét về gốc rễ, là do kẻ yếu tạo cơ hội cho họ. Trong lịch sử Trung Quốc, các tộc người thiểu số phương bắc luôn thừa cơ đánh chiếm Trung nguyên khi các triều đình Trung Hoa suy yếu.
Nhà Trần ở Việt Nam nổi bật trong lịch sử nhân loại với chiến công chói lọi 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông, đội quân mạnh nhất thế giới lúc bấy giờ. Sau mấy đời cực thịnh, đất nước thanh bình, từ những năm 1360, nhà Trần bắt đầu suy yếu, khiến một nước nhỏ ở phía Nam là Chiêm Thành liên tục nhòm ngó bờ cõi Đại Việt. Trong ba thập kỷ chiến tranh với Đại Việt, quân Chiêm Thành nhiều lần giành được thắng lợi. Riêng vua Chiêm là Chế Bồng Nga 12 lần đưa quân Bắc phạt đánh ra Đại Việt, trong đó 4 lần chiếm được kinh đô Thăng Long.
Năm 1377, nhà Trần tổ chức một cuộc phản công Chiêm Thành và tiến quân vào tận kinh đô Đồ Bàn (Bình Định), nhưng cuối cùng bị phục binh Chiêm Thành đánh bại, vua Trần Duệ Tông bị giết. Sau nhiều năm giao tranh, nhà Trần bị tổn thất nặng nề, vận nước ngày càng suy yếu. Năm 1400, Hồ Quý Ly tiếm quyền, tự lập làm vua, chấm dứt nhà Trần. Không mạnh không có hòa bình, đó là một bài học lịch sử.
Kết thúc Thế chiến thứ Nhất, ngày 10 tháng 1 năm 1920, Hội Quốc Liên (The League of Nations) được các nước thắng trận thành lập nhằm duy trì hòa bình thế giới. Theo Hiệp ước Versailles, những mục tiêu chủ yếu của Hội Quốc Liên gồm có ngăn ngừa chiến tranh thông qua an ninh tập thể và giải trừ quân bị, bảo vệ các nhóm thiểu số tại châu Âu. Đức là nước gây chiến và thua trận sau Thế chiến thứ Nhất, phải bồi thường chiến tranh, bị giải giáp quân đội, và bị các cường quốc châu Âu khống chế. Mục đích là kìm chế nước Đức, không để nước này có khả năng phục hồi, phát động các cuộc chiến tranh khác.
Theo ghi chép trong cuốn “The Life of Adolf Hitler” (Nhà xuất bản Mercury Books, năm 1961), khi nắm quyền ở Đức, Hitler nhận định Hội Quốc Liên chỉ là cái thùng rỗng, vì các nước đều có toan tính riêng. Hitler nói với bộ hạ của mình: “Các ngươi biết không, ta có thể đọc được suy nghĩ của các nước khoác áo dân chủ. Họ yếu đuối, thấp kém, trẻ con. Họ chỉ nói và sẽ không làm gì cả”.
Rồi Hitler đã dùng một phép thử, gọi là “canh bạc đầu tiên” (the first gamble): Ngày 14/10/1933, Hitler tuyên bố nước Đức rút khỏi Hội Quốc Liên. Quả nhiên, không có nước nào làm gì. Hitler vui mừng nói: “Quân đội Pháp đông hơn ta 30 lần và hơn hẳn ta về hỏa lực cũng như huấn luyện nên Pháp có thể chiếm đóng nước ta dễ dàng. Tuy nhiên, chính phủ Pháp suy đồi đã không làm gì cả”. Qua phép thử trên, Hitler thấy Pháp và các nước châu Âu ươn hèn nên quyết tâm tái vũ trang quân đội Đức.
Ngày 10/3/1935, Hitler dùng phép thử “canh bạc thứ hai” (the second gamble), tuyên bố trên báo The London Daily Mail rằng nước Đức sẽ tái lập không quân chống lại lệnh cấm của Hiệp ước Versailles. Anh và các nước dân chủ cũng không có phản ứng gì. Với tiềm lực lúc bấy giờ, Anh, Pháp và các nước cầm đầu Hội Quốc Liên hoàn toàn có thể đè bẹp ý chí của Hitler, tiêu diệt tham vọng của Đức phát xít ngay từ trong trứng nước. Nhưng thay vì giữ gìn hòa bình, ngăn ngừa chiến tranh, chính sự nhu nhược của Anh, Pháp đã dung dưỡng, làm ngơ cho Hitler tập hợp lực lượng, vũ trang quân đội, phát động Chiến tranh thế giới lần thứ Hai.
Trong cuốn tự truyện “Không có chỗ cho những giấc mơ nhỏ” (Nhà xuất bản Trẻ, năm 2019), Cựu Tổng thống Israel Shimon Peres tâm niệm rằng mạnh mẽ mới có hòa bình. Trong bối cảnh các nước xung quanh luôn đe dọa xóa xổ nhà nước Do Thái, người Israel phải tự cường và hùng mạnh. Nếu không đủ thực lực và thể hiện sức mạnh, Israel đã tiêu tan. Shimon Peres viết: “Tôi tin rằng buộc đối phương chùn bước là bước đầu tiên trên con đường đi tới hòa bình”.
Trong lịch sử sinh tồn của muôn loài, luật của tự nhiên dạy rằng, kẻ không đủ sức tự vệ thì không đáng được bảo vệ. Trong tự nhiên, các loài thường ngụy trang để sinh tồn. Giấu mình còn chẳng được, vậy những con ếch châu Mỹ cần gì phải xanh đỏ rực rỡ như vậy? Màu sắc và sự phô trương màu sắc của loài ếch độc này phải chăng là một cách tuyên bố ngầm, một chiến thuật tự bảo vệ? Xua đuổi bằng sắc màu sặc sỡ, đó chính là vũ khí riêng, là tín hiệu cảnh báo của loài ếch đối với kẻ thù: ta tuy nhỏ bé nhưng cực độc, cực nguy hiểm, chớ có đụng vào. Làm cho kẻ thù phải chùn bước, đó là tự vệ, mà cũng là gìn giữ hòa bình.
Huyền Dư