THƯỞNG PHẠT
Đại địch lớn nhất ngăn cản Gia Cát Lượng bắc phạt chính là Tư Mã Ý. Vì thế, Gia Cát Lượng dùng kế ly gián, khiến Ngụy Đế Tào Duệ (cháu nội Tào Tháo) cách chức Tư Mã Ý. Tào Duệ dùng người nhà là Tào Chân làm Đại đô đốc. Nhưng người này ươn hèn, không phải đối thủ của Gia Cát Lượng. Quân Thục thỏa sức tung hoành, tiến sát kinh đô Trường An. Những tình tiết trên được mô tả trong phim Tam Quốc Diễn Nghĩa - 2010.
Tình huống nguy cấp buộc Tào Duệ phải phục chức cho Tư Mã Ý. Lúc bấy giờ quân Ngụy dao động, bỏ trốn nhiều. Tư Mã Ý truy vấn trong thời gian Tào Chân dưỡng thương, là Phó đô đốc cầm quân, tại sao Quách Hoài lại để lính bỏ trốn. Quách Hoài thưa lính trốn quá nhiều, không thể ngăn cản. Không ngăn được tại sao không chém? Chém hết kẻ bỏ trốn, sau này còn ai ra trận đánh Thục! Kẻ bỏ trốn có đánh Thục được không?
Nói rồi Tư Mã Ý sai bắt Phó đô đốc Quách Hoài, lệnh chém đầu thị chúng. Các tướng ra sức xin tha mạng, bẩm rằng lỗi là tại Đại đô đốc Tào Chân. Quách Hoài được miễn tội chết, còn tội sống bị phạt đánh 40 trượng.
Tư Mã Ý nói: Các tướng nghe đây, không giữ quân uy, không đánh tự bại. Từ nay trở đi, người nào trốn, chém người đó. Quân lính bỏ trốn, chém đội trưởng. Đội trưởng bỏ trốn, chém tiêu trưởng. Tiêu trưởng bỏ trốn, chém hiệu úy. Hiệu úy bỏ trốn, chém tướng quân. Tướng quân bỏ trốn, Tư Mã Ý ta tự chém đầu mình để tạ tội với triều đình.
Tiếp đó, Tư Mã Ý ban bố quân lệnh. Trước tiên cho quân sĩ ăn no 2 ngày. Quân lệnh tiếp theo là mang sổ sách ghi công ra xem xét. Người nào giết được 2 quân Thục được thăng 1 cấp, thưởng tiền 500. Người giết 4 quân Thục, thăng 2 cấp, thưởng tiền 1000, cứ thế nhân lên cho đến tướng quân. Còn những kẻ không giết được tên nào, không cần biết là tướng, là úy, là sĩ, là tốt, lập tức chém đầu.
Gia Cát Lượng đi thám thính, thấy vậy, rất lo sợ. Ông than rằng: Doanh trại vẫn là mấy doanh trại đó, tướng sĩ vẫn là những tướng sĩ đó, nhưng vừa nhìn là hiểu ra: chức Đại đô đốc đã đổi người rồi.
Từ khi Tư Mã Ý làm Đại đô đốc, quân Ngụy lâm trận, không ai bỏ chạy, khác hẳn thời khiếp nhược trước đó khi Tào Chân cầm quân. Tư Mã Ý nói với các tướng: Nay lòng quân Ngụy như sắt, lo gì quân Thục không bại!
Sau này quả đúng như vậy, Tư Mã Ý không chỉ bảo vệ nước Ngụy trước xâm lăng của quân Thục, mà còn đặt nền móng để cháu nội của mình là Tư Mã Viêm dẹp bỏ cục diện phân chia Tam Quốc, thống nhất Trung Hoa.
Trong lịch sử Trung Quốc, trước thời Tam Quốc là thời Chiến Quốc (7 nước tranh hùng). Theo cuốn Đông chu liệt quốc (Nhà xuất bản Khoa học xã hội -1988) và trang Biên niên sử (bienniensu. com), nước Tần vốn nằm ở phương tây xa xôi hẻo lánh, nguồn lực và trình độ văn minh đều thua xa các nước Trung Nguyên.
Năm 361 trước Công nguyên, vua Tần là Hiếu Công lên ngôi, quyết tâm xây dựng đất nước giàu mạnh. Trước hết, vua ban bố chỉ dụ chiêu tập nhân tài: Không kể là người nước Tần hay người nước ngoài, hễ ai nghĩ được biện pháp làm cho nước Tần giàu mạnh thì sẽ phong làm quan.
Nước Ngụy khi ấy rất mạnh, chiếm một phần lãnh thổ nước Tần. Thương Ưởng vốn là người nước Vệ, muốn tiến thân làm quan ở nước Ngụy nhưng vua Ngụy không dùng. Nghe vua Tần cầu hiền tài, ông bèn sang nước Tần, dâng vua thuyết biến pháp để chấn hưng đất nước. Thương Ưởng tâu rằng, muốn cai trị tốt phải có thưởng có phạt. Có thưởng có phạt thì triều đình mới có uy tín, mọi cải cách mới tiến hành được.
Năm 356 trước Công nguyên, vua Tần cho ban hành pháp lệnh mới của Thương Ưởng, quy định chức quan to nhỏ và tước vị cao thấp đều căn cứ vào chiến công. Quý tộc nếu không lập được công cũng không có tước vị. Lính trơn mà dũng cảm lập công thì đều được thăng chức, ban thưởng. Ai khai khẩn được đất hoang thì cho quyền sở hữu, ruộng đất là tài sản riêng, có thể mua bán. Những người sản xuất được nhiều lương thực và vải vóc, đều được miễn sai dịch. Những người lười biếng nên nghèo túng thì cả gia đình phải sung làm nô tì cho nhà có tước vị.
Có lần, thái tử nước Tần phạm pháp, Thương Ưởng tâu với Tần Hiếu Công: Pháp luật của nhà nước đòi hỏi từ trên xuống dưới phải tuân theo. Nếu người trên không tuân thủ thì dân chúng không tín nhiệm triều đình nữa. Thái tử phạm pháp, không thể trị tội, nhưng thầy dạy thái tử thì phải chịu tội. Vua chấp thuận đề đạt của Thương Ưởng, cho cắt mũi thầy dạy thái tử.
Sau mười năm thực hành thưởng phạt nghiêm minh, nước Tần giàu mạnh hẳn lên, chẳng những thu phục đất đai bị nước Ngụy chiếm đóng, mà còn tiến đánh dần 6 nước Trung Nguyên. Cuối cùng, cháu của Tần Hiếu Công là Tần Thủy Hoàng đã thống nhất Trung Quốc.
dhq
(Bài đăng chuyên san Hồ sơ sự kiện, ngày 10/5/2023)