"Chuyên chế của số đông"
Có câu hát "chân lý thuộc về mọi người" nhưng thực tế, số đông không phải luôn luôn đúng.
Lưu Bang (trái) trong phim "Tân Hán Sở tranh hùng".
Khoảng năm 200 trước công nguyên, Lưu Bang muốn tranh thiên hạ với Hạng Vũ. Mọi sự đủ cả, chỉ thiếu tướng cầm quân. Khi Lưu Bang lập đàn bái đại tướng, những người từng vào sinh ra tử, lập nhiều chiến công như Phàn Khoái, Hầu Anh, Tào Tham, Lữ Quán nghĩ rằng một trong số họ sẽ được chọn.
Không ngờ Lưu Bang lại phong chức đại tướng cho Hàn Tín, một người mới đến đầu quân, không có công trạng gì. Ấy là chưa kể Hàn Tín còn bị thiên hạ chê cười là hèn nhát (thuở hàn vi, Hàn Tín từng phải chui qua háng một tay bán thịt ở chợ). Vì vậy, tất cả tướng sỹ nhất loạt phản đối.
Nhóm tướng lĩnh cùng quê huyện Bái đã theo Lưu Bang từ những ngày đầu khởi nghĩa, rất được lòng ba quân. Nhưng ý chí của số đông không thay đổi được quyết định của minh chủ. Lưu Bang đã quyết đoán chọn Hàn Tín. Sau này đúng là chỉ có Hàn Tín mới tiêu diệt được Hạng Vũ (địch thủ lớn nhất của Lưu Bang và cũng là chiến tướng vô địch thiên hạ).
Có câu hát "chân lý thuộc về mọi người" nhưng thực tế, số đông không phải luôn luôn đúng.
Gần 200 năm trước, nhà tư tưởng Pháp Alexis de Tocqueville đã lưu ý, nền dân chủ cần cảnh giác với tình trạng “chuyên chế của số đông”. Một người dù đúng cũng khó thắng được nhiều người sai. Hoặc có khi biết sai mà không ai dám nói. Biểu quyết của đa số khi đó là sai và đi ngược lại dân chủ đích thực.
Việt Nam đã có bài học này từ những năm 60 của thế kỷ trước. Khi ấy, tư duy vượt trước thời đại của ông "Bí thư khoán hộ” Kim Ngọc là điều bất thường. Sợ rằng “khoán hộ” dẫn tới làm ăn cá thể, đi ngược lại con đường tập thể, nên cấp trên đã yêu cầu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú phải kiểm điểm.
Sinh thời, ông Phạm Dụ, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phú kể lại: trong buổi kiểm điểm, mọi người đều nghĩ mô hình “khoán hộ” của Bí thư Kim Ngọc không sai, vì nó tạo ra động lực, gúp nông dân hăng hái sản xuất. Ai cũng nghĩ, làm cho dân no ấm mới là mục tiêu của con đường Xã hội chủ nghĩa. Nhưng trong xu thế ngày ấy, mọi người vẫn phải biểu quyết để dừng thực hiện “khoán hộ”.
Sau khi “khoán hộ” ở Vĩnh Phú phải dừng bước, Hải Phòng còn tiếp tục “khoán chui” để tăng sản lượng lương thực. Trong hàng chục tỉnh đi theo đường cũ, lối mòn, chỉ có Vĩnh Phú và Hải Phòng đi đường khác. Nhưng số ít không sai.
20 năm sau khi Kim Ngọc khởi xướng “khoán hộ”, đến năm 1988, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 10 về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (còn gọi là “khoán 10”). Và cũng kỳ diệu như ở Vĩnh Phú cuối những năm 60, chỉ 2 năm sau thực hiện “khoán 10”, Việt Nam từ một nước chuyên phải đi xin viện trợ lương thực, trở thành quốc gia đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo.
Có ý kiến cho rằng, cấu trúc gien của loài người từ xa xưa đến ngày nay vốn biến đổi rất ít. Chính vì thế, có những bài học xưa, đến nay vẫn còn nguyên giá trị./.
dhq