CUỘC CHIẾN 3000 NĂM
Từ năm 1776, Tuyên Ngôn Độc Lập của nước Mỹ đã ghi rõ “mọi người sinh ra đều bình đẳng”. Gần 250 năm nay, thế giới đã chứng kiến rất nhiều thành tựu về quyền cơ bản của con người ở khắp các châu lục. Nhưng vì sao mới đây, thành phố Seatle của Mỹ lại phải công bố sắc lệnh cấm phân biệt đẳng cấp? Thông tin trên của đài CNN khiến nhiều người quan tâm.
Hình ảnh đối lập tại Ấn Độ giữa khu đô thị hiện đại và khu ổ chuột của người Dalit sống dưới những mái lều lợp vải bạt.
Hệ thống đẳng cấp (caste) có nguồn gốc từ Ấn Độ xưa, quy định mọi người được xếp hạng sang hèn ngay từ khi sinh ra, điều đó không thay đổi trong suốt cuộc đời họ và đến cả con cháu họ. Xã hội Ấn Độ phân chia thành 4 đẳng cấp: cao nhất là Brahmin (tu sĩ, học giả), tiếp đến là Kshatriya (quý tộc, chiến binh), rồi đến Vaishyas (nhà buôn, chủ đất) và cuối cùng là Shudras (nô lệ, cửu vạn). Ngoài ra còn một tầng lớp không được xếp hạng gọi là Dalit (tiện dân).
Người Dalit ở dưới đáy xã hội, bị 4 đẳng cấp trên coi là hạng người “không đáng đụng tới” (untouchable). Họ chỉ có thể làm những công việc được coi là “dơ bẩn" như nhặt rác, đổ phân... Họ không được phép vào đền thờ, không được uống cùng nguồn nước, chỉ được ở ngoài rìa của làng.
Các đẳng cấp trên cho rằng tiện dân đụng đến vật gì thì vật đó bị ô uế. Luật đẳng cấp quy định người tiện dân Dalit phải tránh xa người cao quý Brahmin (Bà La Môn) từ 19 mét trở lên. Nếu bóng của một người tiện dân chạm vào một người của đẳng cấp khác thì người ở đẳng cấp khác đó phải tắm gội tẩy uế tức thì.
Trong cuốn “Những bài học lịch sử” (The lessons of history) phần viết về văn minh Ấn Độ, tác giả Will Durant kể một câu chuyện đau lòng: Năm 1913 ở Kohat, đứa con một gia đình Ấn Độ giàu có rơi xuống một hồ nước. Xung quanh chỉ có mẹ đứa trẻ và một tiện dân đi ngang qua. Người tiện dân xin lặn xuống vớt đứa trẻ, nhưng người mẹ từ chối, thà để con chết chứ không để con bị ô uế, không để hồ nước bị dơ bẩn (theo bản dịch và phát hành của Nhà xuất bản Hồng Đức, năm 2021).
Chế độ đẳng cấp duy trì như thế hàng nghìn năm. Khi cách mạng công nghiệp theo người Anh lan tràn vào Ấn Độ thì nhiều thay đổi đã diễn ra. Năm 1922 ở Bombay có 83 xưởng dệt, sử dụng 180.000 người thợ. Trong các xưởng máy, thợ thuyền từ các đẳng cấp khác nhau cùng làm việc sát cánh bên nhau, vì máy móc không phân biệt đẳng cấp. Trên xe lửa và trong rạp hát thì dù không muốn, giới Bà La Môn cao quý vẫn phải cùng kẻ tiện dân Dalit chen vai thích cánh nhau.
Nếu nói máy móc không phân biệt đẳng cấp, thì công nghệ kiến tạo quyền bình đẳng. Công nghệ không chỉ từng bước giải phóng người Ấn khỏi đẳng cấp, mà còn nâng vị thế người Ấn trên trường quốc tế. Hiện nay, các giám đốc điều hành gốc Ấn ở Thung lũng Silicon (cái nôi công nghệ Mỹ) nằm trong số những người có trình độ học vấn cao nhất và giàu nhất nước Mỹ.
Sau khi Ấn Độ giành được độc lập, hiến pháp mới năm 1950 (do một học giả người Dalit soạn thảo) đã chính thức cấm phân biệt đẳng cấp. Hiện có khoảng 200 triệu dân Ấn Độ là người Dalit, nhiều người trong số đó đã học đại học, làm kinh doanh và tiến thân chính trị. Tuy nhiên, định kiến đẳng cấp vẫn là một vấn đề dai dẳng, vượt ra khỏi biên giới Ấn Độ.
Vì sao Seattle trở thành thành phố đầu tiên ở Mỹ đầu năm 2023 này ra sắc lệnh về cấm phân biệt đẳng cấp? Vì Seattle là một trong những trung tâm công nghệ lớn nhất nước Mỹ, sử dụng nhiều nhất người nhập cư Ấn Độ, trong số đó, người Dalit vẫn là nạn nhân đáng thương của định kiến đẳng cấp.
Không phân biệt đẳng cấp, coi trọng mọi người như nhau là tâm nguyện của lãnh tụ Mahatma Gandi, giống như trước đó, Đức Phật dạy không có đẳng cấp trong dòng máu cùng đỏ, Đức Chúa dạy mọi người đều bình đẳng trước Thiên Chúa.
Năm 1963, trong bài diễn văn nổi tiếng “Tôi có một giấc mơ”, mục sư người Mỹ Luther King đã nói: "Chúng ta tin vào chân lý mọi người sinh ra đều bình đẳng. Tôi có một giấc mơ, rồi có một ngày trên những ngọn đồi đất đỏ Georgia, con của nô lệ và con của chủ nô sẽ ngồi lại cùng nhau bên bàn ăn của tình huynh đệ”.
Không giống như chủng tộc có thể phân biệt bằng màu da, đẳng cấp không hiển thị rõ ràng: khuôn mặt và visa vào Mỹ của một người không cho biết đẳng cấp của người đó. Chỉ có người Ấn tự biết và phân biệt đối xử nội bộ với nhau. Vì vậy, đa số người Dalit ở Mỹ vẫn phải che giấu danh tính, lai lịch trước đồng bào của mình.
Lề luật cũ còn ghê gớm như thế, nên cuộc chiến 3000 năm của người Dalit chưa thể kết thúc. Và cũng giống như của người Dalit, cuộc đấu tranh của các cộng đồng, dân tộc khác trên toàn cầu chống lề thói cũ, bảo thủ và định kiến, chưa bao giờ là có điểm dừng.
dhq