MỘT NGỌN NÚI BA GÓC NHÌN KHÁC BIỆT
Tất cả các dòng sông đều chảy. Cứ theo dòng của riêng mình, mặc người khác chảy theo phía họ...
Phú Yên mảnh đất miền trung với biển xanh, cát trắng, nắng vàng, có nhiều điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Với tôi, chỉ một chi tiết vì sao núi Đá Bia được đưa vào lô gô của tỉnh này, đã là một bài học thú vị.
Trên đỉnh của dãy núi Đèo Cả có một trụ đá khổng lồ, cao khoảng 80 mét. Theo báo Phú Yên thì tương truyền vào năm Tân Mão 1471, khi thân chinh cầm quân mở cõi về phía nam, vua Lê Thánh Tông đã dừng chân tại đây, cho quân lính trèo lên khắc bia, ghi rõ ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành. Từ đó, trụ đá này gọi là núi Đá Bia.
Núi Đá Bia còn có một cái tên lý thú do người Pháp đặt là “Ngón tay của Chúa”, xuất phát từ những thủy thủ, khi họ từ biển khơi nhìn vào thấy trụ đá giống như hình ngón tay chỉ lên trời, và họ căn cứ vào “Ngón tay của Chúa” để định hướng cho tàu bè.
Từ xa xưa, trước khi người Việt, người Pháp đến Phú Yên thì người Chăm bản địa đã gọi ngọn núi thiêng này là Lingaparvata. Trong tín ngưỡng của người Chăm, Lingaparvata có nghĩa là Linga của đấng đại sơn thần, hiện thân của thần sức mạnh toàn năng Shiva. Linga hình trụ vươn thẳng lên là biểu tượng của sinh thực khí nam (dương vật).
Trên đỉnh tháp Nhạn ở Phú Yên hiện nay có một linga bằng đá nguyên khối, được gọt đẽo tinh xảo. Theo truyền thuyết Ấn Độ, thần Shiva xuất hiện đầu tiên là một cột lửa hình dương vật linga. Kết hợp linga với yoni (bộ phận sinh dục nữ) tượng trưng cho sức mạnh sinh sôi, là cội nguồn của kiến tạo. Đó là sức mạnh của thần Shiva, vị thần tối cao trong Ấn Độ giáo, có ảnh hưởng rất lớn đến văn hóa Chăm.
Theo cuốn sách “Lịch sử văn minh Ấn Độ” (Nhà xuất bản Hồng Đức, năm 2021) thì người Ấn Độ không thích gì bằng có con cái, dẫu cảnh Niết Bàn họ cũng không ao ước bằng. Vì vậy, họ trọng cái khả năng tính dục, họ thờ những vật tượng trưng cho sự sinh sản để luôn có con cái đầy nhà.
Nhiều dân tộc cũng đã từng thờ dương vật, nhưng duy ở Ấn Độ người ta thờ cái đó suốt từ thời thượng cổ tới thế kỷ XX, không lúc nào gián đoạn. Nơi nào cũng thấy dấu vết thờ phụng sinh thực khí, rồi những đám rước dương vật long trọng, mà không ai coi đó là tục tĩu.
Người Ấn Độ gọi vị anh hùng giải phóng dân tộc Mahatma Gandhi là Thánh Gandhi. Về cái dương vật linga của thần Shiva, Thánh Gandhi nói: “Chính các du khách phương Tây tới thăm nước chúng tôi đã phát giác cho chúng tôi tính cách tục tĩu của nhiều tập quán từ trước chúng tôi vẫn theo mà chẳng thấy tục chỗ nào cả. Riêng tôi, nhờ đọc một cuốn sách của một nhà truyền giáo mà biết rằng cái linga của thần Shiva có ý nghĩa tục tĩu”.
Tục tĩu hay không là do góc nhìn. Ở làng cổ Tứ Xã (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) ngày nay vẫn còn duy trì lễ hội mang cái tên độc đáo là “linh tinh tình phộc”, còn gọi là hội nõ nường với hàng nghìn người xem. Vào lúc 0 giờ đêm 11 tháng Giêng hàng năm, cụ trưởng lão của làng sẽ đưa cho cặp trai gái được làng chọn hai vật là nõ (bộ phận sinh dục nam) và nường (bộ phận sinh dục nữ). Sau khi cụ trưởng lão hô to “linh tinh tình phộc”, chàng trai cầm cái nõ đâm vào cái nường do cô gái cầm.
Cũng như Thánh Gandi của Ấn Độ, người dân Tứ Xã ngàn năm nay chỉ biết hành động đó thể hiện ước mong vạn vật sinh sôi, mùa màng tươi tốt, họ không thấy trong tục lệ đó cái gì bậy bạ, tục tĩu.
Linga, đá bia, ngón trỏ - một trụ đá ba cái tên khác lạ, một ngọn núi ba điểm nhìn văn hóa. Đa góc nhìn để cùng khám phá chứ không phải để phán xét. Ý niệm khác nhau của người Chăm, người Việt, người Pháp tô điểm thêm nét văn hóa cho trụ đá trên Đèo Cả, làm giàu có thêm cho du lịch miền Trung. Tiếp cận một chiều trong tư duy và mặc đồng phục trong tư tưởng có lẽ không phù hợp với thế giới hội nhập và phát triển.
Thông tin tại hội nghị ngoại vụ toàn quốc do Bộ Ngoại giao phối hợp với tỉnh Phú Yên vừa tổ chức tại thành phố biển Tuy Hòa cho biết, năm 2022, chủ đề phóng sự được báo chí nước ngoài quan tâm nhất khi tới tác nghiệp tại Việt Nam không phải là kinh tế, hợp tác, môi trường, khắc phục hậu quả chiến tranh… mà là văn hóa, du lịch (chiếm tới 44%).
Nói về văn minh còn có thể phân biệt cao thấp, còn nói về văn hóa là nói sự khác biệt. Bạn chẳng bao giờ muốn tìm hiểu cái mình đã trải nghiệm. Bạn luôn mong muốn khám phá cái mới mẻ, điều khác lạ. Chính sự khác biệt tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo. Phú Yên, Phú Thọ, và các tỉnh thành, mỗi nơi đều có điểm mạnh của riêng mình. Cũng giống như không có ai giống hệt nhau. Tất cả các dòng sông đều chảy. Cứ theo dòng của riêng mình, mặc người khác chảy theo phía họ.
dhq
(Bài đăng Hồ sơ sự kiện, số ra hôm nay 25/5/2023)